Bưởi diễn xã Khánh Yên Hạ, Hồng không hạt Tân An, Dưa lê xã Khánh Yên Trung...từ một vài năm trở lại đây đã không còn quá xa lạ với người dân trong tỉnh, đặc biệt các sản phẩm cây có múi của huyện Văn Bàn đã vươn ra ngoài thị trường tỉnh, đến tận thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Việc phát triển vùng cây có múi tại các xã phía Nam của huyện Văn Bàn đã tạo ra những cơ hội lớn, phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống bà con nông dân.
Tuy không phải là địa phương nổi tiếng với giống bưởi đặc sản-bưởi Diễn, nhưng vài năm nay, nhắc đến Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn là người dân quanh vùng lại nói về ông Nguyễn Thế Hùng, thôn Pắc Sung với trang trại gần 100 gốc bưởi diễn, mỗi năm thu lãi gần trăm triệu đồng từ bán bưởi. Là người đầu tiên mang giống bưởi Diễn nổi tiếng về huyện Văn Bàn, những ông Hùng lại không nghĩ rằng, giống bưởi này lại là nguồn thu nhập chính từ gia đình. Theo ông Hùng, mỗi cây bưởi Diễn, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, sau từ 3 -4 năm có thể cho thu hoạch, mỗi gốc bưởi có thể cho từ 90-100 quả, gốc sai quả nhất có thể lên đến 200-300 quả. Hiện tại, với giá bán 40 nghìn đồng/quả, ông Hùng không phải vất vả mang bưởi ra chợ bán mà có sẵn tư thương vào tận vườn đặt mua, cá biệt, có năm, ngay từ đầu vụ, tư thương đã đặt ngay từ lúc cây chưa ra quả. Trước kia nhà ông Hùng có hơn 2.800m2 đất ông nghiệp trồng lạc với sắn, đến nay, ông Hùng đã chuyển toàn bộ số đất này vào trồng bưởi Diễn.
Trong những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang loại cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao được người dân trong xã Khánh Yên Hạ tích cực thực hiện đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả sử dụng đất, giúp người dân nâng cao thu nhập. Trong đó, các loại cây ăn quả được người dân quan tâm chuyển đổi nhiều và có đầu tư thâm canh hướng tới tạo thành vùng sản xuất tập trung như bưởi Diễn, hồng không hạt, cam phong… Hiện tại, xã Khánh Yên Hạ có 15ha diện tích trồng cây ăn quả có múi, với 3ha đã cho thu hoạch. Để giúp đỡ người dân trong quá trình chuyển đổi, huyện Văn Bàn đã trích kinh phí từ các nguồn, hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi hộ nông dân trong quá trình thực hiện. Ông Ma Ngọc Hưng- Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Hạ cho biết: “Thực tế cho thấy, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, trên địa bàn xã đang dần hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây có múi, không chỉ giúp nông dân từng bước làm giàu chính đáng mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2018, xã tiếp tục khuyến khích người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi từ đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có múi, định hướng sang năm tới, xã sẽ chuyển đổi tiếp hơn 20 ha đất kém hiệu quả, tiến tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao”.
Quy hoạch phát triển vùng cây có múi tại các xã phía Nam là một chủ trương lớn của huyện Văn Bàn. Hiện tại, huyện Văn Bàn có trên 600ha cây ăn quả các loại. Năm 2016, huyện đã đầu tư hỗ trợ cho trên 25 nghìn cây ăn quả với diện tích gần 50ha. Có thể thấy, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng phát triển cây ăn quả có múi sẽ tạo cho huyện Văn Bàn nhiều cơ hội mới trong hành trình đầu tư phát triển nông nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để huyện thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thế Long
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết