Văn Bàn triển khai thí điểm kỹ thuật canh tác lúa phát huy hiệu ứng hàng biên

19:47 26-03-2018 | :1204

Laocaitv.vn - Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, thời diểm này, nông dân các xã, thị trấn của huyện Văn Bàn đang khẩn trương gieo cấy lúa và các loại cây trồng vụ Xuân theo lịch khung thời vụ. Nét mới trong sản xuất vụ Xuân năm nay là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Ban đang tổ chức triển khai thí điểm kỹ thuật canh tác lúa phát huy hiệu ứng hàng biên (cấy hàng rộng, hàng hẹp) tới bà con nông dân. Đây là một kỹ thuật canh tác mới lần đầu tiên áp dụng tại Văn Bàn, bước đầu được bà con nông dân đón nhận.

Kỹ thuật canh tác lúa phát huy hiệu ứng hàng biên (hay nói cách khác là cấy hàng rộng, hàng hẹp) được hiểu nôm na là cứ cấy 2 hàng như thông thường lại bỏ 1 hàng, cấy lặp lại như vậy cho đến khi hết ruộng. Để đảm bảo cấy đủ khoảng cách hàng sông lớn và hàng sông bé, khi chưa quen, bà con được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn dùng thước đo ở 2 đầu bờ ruộng, sau đó dùng 2 bộ dây cước, đo đúng khoảng cách thì cắm dây ở 2 đầu bờ cho căng và cấy theo đường thẳng của dây, cấy từ 2 đến 3 thẻ mạ/khóm, cấy nông tay và cấy các khóm ở các hàng so le là tốt nhất. Bà con nông dân cũng được cán bộ  kỹ thuật hướng dẫn về mật độ và khoảng cách đối với từng giống lúa cụ thể, cách chăm sóc, bón phân. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phóng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: "Cấy hàng rộng, hàng hẹp là kỹ thuật canh tác mới mà ông và các cán bộ kỹ thuật của phòng vừa tham quan, học tập kinh nghiệm tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Đây là phương thức gieo cấy phát huy hiệu ứng hàng biên kết hợp với sức tạo bông tối ưu trên khóm để cây lúa có bông to, đạt năng suất cao, đem lại hiệu quả kinh tế. Một số ưu điểm nữa đó là do cấy thưa nên lượng giống cần ít, chỉ từ 0,5 đến 0,8kg/sào tùy hạt giống, bên cạnh đó, việc cấy thưa, cấy nhanh cũng giảm đáng kể công cấy. Đáng lưu ý là khi cấy lúa thẳng hàng, hàng rộng, hàng hẹp với mật độ thưa sẽ ít có sâu bệnh khu trú, khi có sâu bệnh, việc phát hiệnh và phòng trừ cũng thuận lợi hơn, tối giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và để đạt hiệu quả như mong muốn, hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang trực tiếp triển khai mô hình kỹ thuật mới này".

Trên thực tế, mô hình canh tác này đã được bà con nông dân thực hiện ở một số địa phương dưới xuôi, cho năng suất cao hơn mô hình cấy lúa theo mật độ dày truyền thống là từ 20 đến 60%, tùy loại giống và việc tuân thủ kỹ thuật canh tác, chăm sóc của bà con nông dân. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cũng cho biết: "Do là kỹ thuật canh tác mới nên đơn vị chọn một số xã của huyện để triển khai thí điểm, vụ Xuân này thực hiện tại các xã: Làng Giàng, Hòa Mạc, Khánh Yên Thượng và Thị trấn Khánh Yên, nếu phát huy hiệu quả thì sẽ tiếp tục nhân rộng trong các vụ sản xuất tiếp theo. Bà con nông dân ban đầu khi tiếp cận còn bỡ ngỡ, nhưng khi được tuyên truyền hướng dẫn thì đã rất tích cực tham gia và bắt kịp với phương pháp canh tác mới này". Vụ Xuân năm nay toàn huyện Văn Bàn gieo cấy trên 3 nghìn 320 ha lúa Xuân, trong đó, khoảng 1 nghìn 900 ha được canh tác theo phương thức cánh đồng 1 vùng, 1 giống, 1 thời gian. Tính đến ngày 22/3/2018, đã cấy được trên 80% diện tích, số còn lại đang được bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ và sẽ hoàn thành trong tháng 3 theo đúng lịch khung thời vụ. Cơ cấu giống lúa chủ yếu là BC15, thiên ưu 8, RVT, Nhị ưu 838.

Hiện tại, điều kiện thời tiết đang khá thuận lợi, nguồn nước phục vụ gieo cấy cơ bản đảm bảo, bên cạnh gieo cấy lúa, bà con nông dân ở các địa phương của huyện Văn Bàn cũng khẩn trương gieo ngô và trồng một số loại cây vụ Xuân khác trong khung thời vụ cho phép, đảm bảo tất cả diện tích canh tác đều được tổ chức sản xuất, tuyệt đối không để đất canh tác phải bỏ hoang.

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết