Vì sao chè Lùng Vai "mất" sao OCOP ?

20:37 12-06-2024 | :50

Laocaitv.vn - Là một trong những vùng trồng chè trọng điểm của huyện Mường Khương cũng như của tỉnh, xã Lùng Vai hiện có hơn 1.000 ha chè, trong đó, khoảng 900 ha đang cho thu hoạch, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, để vùng nguyên liệu chè phát triển bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn sao OCOP, thì địa phương, doanh nghiệp và người trồng chè nơi đây vẫn còn nhiều việc phải làm.

Được Nhà nước hỗ trợ cây giống, năm 2011, gia đình ông Nông Văn Chương chuyển 1 ha đất canh tác mía và măng bát độ kém hiệu quả sang trồng chè. Thực hiện trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cây chè cho năng suất cao, sản phẩm được các doanh nghiệp thu mua theo giá cam kết, mỗi năm gia đình ông Chương thu về hơn 100 triệu đồng.

Ông Nông Văn Chương, thôn Trung Tâm, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương chia sẻ: “Trước tiên là người dân phải sản xuất theo đúng quy trình, hái phải hái ngắn, không được hái dài ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Còn công ty, những cơ sở sản xuất chè cam kết là sẽ cố gắng tiêu thụ hết sản phẩm của bà con.”

Khung cảnh lao động thu hái chè tại xã Lùng Vai, huyện Mường Khương

Tuy nhiên, trong thực tế, việc canh tác chè, đặc biệt là tuân thủ các điều kiện để sản phẩm chè đạt sao OCOP vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc diệt cỏ vẫn đang diễn ra.

Bà Hù Thị Thanh Xuyến, cán bộ khuyến nông xã Lùng Vai, huyện Mường Khương cho biết: "Có một số hộ vẫn chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, vẫn còn lạm dụng thuốc để diệt cỏ."

Chị Hù Thị Thanh Xuyến, chia sẻ thực trạng sử dụng thuốc Bảo Vệ thực vật tại Lùng Vai

Mỗi năm, Hợp tác xã Chè Mường Khương thu mua từ 4.000 đến 5.500 tấn chè búp tươi để chế biến và xuất khẩu đi thị trường Trung Đông. Mặc dù thị trường này không đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm, nhưng việc quan tâm đến chất lượng và an toàn sản phẩm vẫn cần được tập trung, giúp sản phẩm chè không chỉ tiếp cận thị trường khó tính hơn mà còn đáp ứng được các tiêu chuẩn của sao OCOP.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Hợp tác xã chè Mường Khương bày tỏ quan ngại: "Tôi lo ngại về việc một số hộ nông dân sử dụng quá nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu, không tuân thủ đúng quy chuẩn. Để sản xuất chè theo tiêu chuẩn sao OCOP, chè nội tiêu, cả nhà máy và cộng đồng cần phải làm việc chặt chẽ. Bà con nông dân cũng cần phải thu hái và chăm sóc cây chè một cách đúng quy trình, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy chuẩn của Việt Nam."

Trước đó, sản phẩm chè Lùng Vai của Công ty chè Thanh Bình đã được công nhận đạt OCOP 3 sao. Tuy nhiên, theo quy định, năm 2022 Công ty phải làm hồ sơ đề nghị công nhận lại, nhưng công ty đã không thực hiện và bị thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm.

Ông Vàng Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Vai, huyện Mường Khương nhấn mạnh: "Công ty, cũng như Hợp tác xã, tập trung chủ yếu vào thị trường xuất khẩu nên ít quan tâm đến thị trường trong nước."

Chăm sóc đồi chè, thực trạng và thách thức

Để sản phẩm chè được cấp lại chứng nhận đạt sao OCOP, chính quyền xã Lùng Vai sẽ tăng cường liên kết và hướng dẫn người dân tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Như vậy, không chỉ giá trị kinh tế sẽ được nâng cao mà còn đảm bảo phát triển bền vững của vùng nguyên liệu chè.

Thế Văn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết