Xây dựng được gần 1.000 ha vùng cây dược liệu ở Lào Cai

08:46 22-08-2018 | :1122

Laocaitv.vn - Sau gần 3 năm thực hiện quyết định Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đến nay, tỉnh Lào Cai đã hình thành vùng cây dược liệu hàng hóa theo nhu cầu đặt hàng của các công ty sản xuất, kinh doanh dược liệu đóng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh với diện tích gần 1.000 ha.

Đã có hơn 2.500 gia đình tại 6 huyện của Lào Cai chuyển sang trồng cây dược liệu

Điển hình như trồng Atiso và chè dây tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà; cây Xuyên khung, cây Đương quy tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai; cây Ý dĩ tại các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà hay cây Sa nhân tím tại các huyện Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn và Bảo Yên. Đã có hơn 2.500 gia đình tại 6 huyện của Lào Cai (Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn) chuyển sang trồng cây dược liệu. Toàn tỉnh hiện đã có 6 doanh nghiệp đứng ra tiêu thụ toàn bộ nguồn dược liệu đó là các công ty: Công ty cổ phần Traphaco Sa Pa, Công ty cổ phần dược liệu Việt Nam, Công ty Nam Dược, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tài Nguyên Xanh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tâm Phát Green, Cổ phần Dược liệu xuyên Việt. Các doanh nghiệp đều cam kết thu mua lâu dài cây dược liệu với mức giá ổn định. Theo tính toán, hiện cây dược liệu đang mang lại cho người trồng giá trị thu nhập 120 triệu đồng/ha, cá biệt có loại dược liệu đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm, người trồng có lãi trên 40%. 

Từ nguồn nguyên liệu dược liệu được thu gom, Công ty cổ phần Traphaco Sa Pa đã sản xuất cung ứng ra thị trường các sản phẩm hàng hóa như: Trà phun sương Atiso, trà dây leo Sa Pa, trà túi lọc Giảo cổ lam,... Công ty Nam Dược có sản phẩm: Thuốc ho bổ phế, viên ngậm, cảm ích nhi, thông xoang tán, hoạt huyết dưỡng não được tách chiết từ cây Cát cánh, Đan sâm và Bạch chỉ. Công ty cổ phần dược liệu Việt Nam với sản phẩm giảm đau xương khớp Boskaba được tách chiết từ cây xuyên khung, sản phẩm bổ não Citi-boot được tách chiết từ cây đương quy.... Ngoài ra, các Công ty này còn cung cấp số lượng lớn sản phẩm được liệu sơ chế, cho các cơ sở, viện y học cổ truyền để làm thuốc như: Ý dĩ, Bạch truật, Xuyên khung, Cát cánh, Đan sâm, Tam thất, Bạch chỉ...

   An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết