Xây dựng thành công mô hình chuỗi liên kết cho sản phẩm gạo Séng Cù

14:12 07-10-2018 | :1069

Laocaitv.vn - Sau khi  đánh giá kết quả mô hình "Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng Cù tại xã Nấm Lư, huyện Mường Khương” vào trung tuần tháng 9 năm 2018,  vừa qua, dưới sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản tỉnh Lào Cai đã tiếp tục tiến hành đánh giá  kết quả của mô hình "Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng Cù an toàn tại xã Mường Vi, huyện Bát Xát. Đây là một trong hai địa phương có diện tích lúa đặc sản Séng Cù lớn nhất của Lào Cai, được Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản tỉnh lựa chọn để xây dựng mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng Cù an toàn” trong vụ mùa năm 2018.

Xây dựng thành công mô hình chuỗi liên kết cho sản phẩm gạo Séng Cù

Nếu như tại xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng Cù an toàn” được thực hiện trên  chân ruộng lúa 01 vụ, thì tại xã Mường Vi, huyện Bát Xát, mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng Cù an toàn” được Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản tỉnh Lào Cai, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bát Xát và chính quyền xã Mường Vi triển khai thí điểm trên diện tích lúa vụ mùa (chân ruộng 02 vụ) với qui mô tổng cộng 20 ha.

Tổng kết mô hình, đánh giá của cơ quan chuyên môn cho biết: “Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng Cù an toàn tại xã Mường Vi" đã thành công. Năng suất lúa bình quân ước đạt 55/tạ/ha, tăng 8 tạ/ha so với vụ mùa năm 2017 với giá bán dự kiến bình quân 17.000 đồng/kg, mang lại thu nhập cho người sản xuất trên 90 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, sản phẩm gạo Séng Cù sản xuất theo chuỗi liên kết đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Để mô hình đạt hiệu quả như mong đợi, ngay từ khi bắt tay thực hiện, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản tỉnh đã phối hợp với chính quyền xã Mường Vi tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm và tổ chức thành lập 03 tổ nhóm sản xuất tại 03 thôn thuộc xã Mường Vi, là thôn Đông Căm, Lâm Tiến và Ná Ản với  tổng số  120 hộ dân tham gia.

Qúa trình triển khai, Chi cục đã tổ chức 03 lớp tập huấn cho bà con về kỹ thuật chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phương pháp bảo quản, chế biến gạo sau thu hoạch… Đồng thời yêu cầu các hộ tham gia mô hình cam kết, trong quá trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng quy trình kỹ thuật đã đề ra từ khâu làm đất, gieo mạ, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại… theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật.

Lúa Séng Cù đang vào vụ thu hoạch

Thông qua các lớp tập huấn này, những hộ nông dân tham gia mô hình chuỗi liên kết trồng lúa Séng Cù tại xã Mường Vi đã nắm được qui trồng lúa cho năng suất, chất lượng cao lại đảm bảo an toàn, chất lượng, không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Khẳng định những ưu điểm của “Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng Cù an toàn”.

Cũng là 01 trong những hộ nông dân tham gia mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng Cù an toàn”, anh Trần Văn Luận, thôn Đông Căm cho biết: Khi tham gia mô hình, được tập huấn qui trình chăm sóc lúa theo phương pháp kỹ thuật SRI, anh và nhiều hộ dân đã nắm vững được kỹ thuật cấy hàng biên, cấy lúa thưa, cấy mạ non, giúp cây mạ đẻ nhánh mạnh hơn, từ đó giúp tăng năng suất, sản lượng lúa. Đặc biệt, anh và các hộ dân đã nắm vững được qui trình sử dụng phân bón giúp cây lúa phát triển tốt, phun thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, hiệu quả và đảm bảo an toàn.

Qua trình triển khai thực hiện mô hình chuỗi liên kết, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản tỉnh Lào Cai cũng đã thiết kế, hỗ trợ cập nhật thông tin, đưa các thông tin về quá trình sản xuất, chế biến gạo Séng Cù tham gia hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản. Đến nay sản phẩm gạo Séng Cù an toàn của xã Mường Vi, huyện Bát Xát đã được cấp xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn và có mã truy xuất nguồn gốc điện tử, sản phẩm được đóng gói trong bao bì và có dán tem truy xuất nguồn gốc. Chi cục cũng đã thiết kế tờ rơi, giới thiệu về sản phẩm gạo Séng Cù nhằm tuyên truyền, quảng bá sản phẩm gạo Séng Cù an toàn đến người tiêu dùng. Thực hiện hỗ trợ Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi (đơn vị tiêu thụ sản phẩm thóc Séng Cù tại xã Mường Vi, Bát Xát) 02 máy hàn túi để đóng gói sản phẩm; 45.000 tem truy xuất điện tử để dán lên bao bì sản phẩm; 5500 tờ rơi tuyên truyền về kỹ thuật sản xuất lúa Séng Cù an toàn và quảng bá sản phẩm của mô hình; 01 biển chỉ dẫn mô hình sản xuất lúa Séng Cù an toàn đặt tại thôn Đông Căm, xã Mường Vi, huyện Bát Xát. Đồng thời tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm gạo Séng Cù an toàn thuộc mô hình, nhằm mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm Séng Cù ổn định, bền vững, tăng thu nhập cho người sản xuất, tạo ra các sản phẩm gạo có chất lượng phục vụ người tiêu dùng, nhân rộng các vùng sản xuất gạo Séng Cù an toàn trên địa bàn xã và các xã khác trên địa bàn huyện.

Với các hoạt động triển khai bài bản này, mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng Cù an toàn tại xã Mường Vi, huyện Bát Xát đã đạt được cùng lúc 03 mục tiêu là: Làm thay đổi nhận thức của người dân trong quá trình sản xuất và sản phẩm gạo Séng Cù an toàn được nhiều người biết đến. Qua đó góp phần mở rộng vùng sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Đây cũng là cơ sở để các xã khác của tỉnh thực hiện mô hình mở rộng phát triển sản xuất hàng hóa bền vững; thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

                                                                                      An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết