Xây dựng thương hiệu thổ cẩm Lào Cai

21:48 27-12-2022 | :343

Laocaitv.vn - Không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn bản sắc văn hoá, giờ đây thổ cẩm còn là một mặt hàng có giá trị, giúp đồng bào vùng cao có thêm thu nhập. Để sản phẩm thổ cẩm xây dựng được thương hiệu, vừa bảo tồn văn hoá, vừa trở thành sản phẩm hàng hoá, tỉnh đang đẩy mạnh hỗ trợ khuyến công, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại.

Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng là một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển nghề dệt thêu thổ cẩm theo hướng hàng hoá. Từ những nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đến nay công ty có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh; mỗi năm bán ra thị trường trên 700 mã sản phẩm, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng. Chị Cung Thanh Mai, giám đốc công ty cho biết: "Tôi muốn làm một khu làng nghề để các chị em có công ăn việc làm, không bán hàng rong nữa; thứ hai là cũng muốn duy trì, bảo tồn nghề truyền thống để không bị mai một".

Chị Mai nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thổ cẩm.

Thị xã Sa Pa có trên 20 tổ, nhóm, câu lạc bộ phát triển nghề thêu thổ cẩm với hàng trăm thành viên, tập trung ở các xã Tả Phìn, Tả Van, Hoàng Liên… Tham gia các tổ, nhóm, câu lạc bộ này, các hội viên được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ thế, một lượng lớn lao động tại chỗ của địa phương đã có việc làm, cải thiện cuộc sống.

Ông Triệu Thiết Nghĩa, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: "Trong thời gian tới, Sa Pa sẽ đưa thổ cẩm thành ngành nghề phát triển chủ đạo của địa phương, bên cạnh đó chúng tôi sẽ hướng tới các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ".

Phát triển nghề thêu thổ cẩm vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống vừa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hiện, Lào Cai có 264 cơ sở sản xuất thổ cẩm với các sản phẩm là thêu, dệt, may trang phục truyền thống. Tuy nhiên, các cơ sở này có quy mô nhỏ, sản xuất thủ công, thời gian tạo ra sản phẩm lâu trong khi giá thành cao, khó cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp. Bởi vậy, tỉnh đang đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khuyến công, quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm xây dựng thương hiệu cho thổ cẩm Lào Cai.

Ông Đào Xuân Đức, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "Đối với sản phẩm thổ cẩm, hiện nay chúng tôi đang định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở sản xuất tập trung vào các sản phẩm gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng định hướng cho cơ sở sản xuất phấn đấu phát triển các sản phẩm này trở thành sản phẩm OCOP".

“Biến di sản thành tài sản” là chủ trương của tỉnh Lào Cai, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa góp phần phát triển du lịch một cách bền vững, mang lại thu nhập cho người dân.

Trung Kiên - Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết