Xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhiều địa phương gặp khó khăn
15:25 25-03-2023
| :331
Laocaitv.vn - Theo phân tích của các chuyên gia, trong mỗi bao bì thuốc bảo vệ thực vật luôn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khoảng 2% thể tích. Nếu không được thu gom xử lý theo đúng quy trình thì một lượng lớn hóa chất độc hại sẽ ngấm vào và gây ô nhiễm môi trường. Nhiều địa phương đã bố trí điểm thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng. Tuy nhiên, mỗi nơi lại đang xử lý theo một kiểu khác nhau.
Các điểm thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật thường bị quá tải do người dân đổ rác thải sinh hoạt vào (ảnh trên). Nghiêm trọng hơn, vỏ bao bì và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi thu gom không được xử lý đúng quy định, nhiều nơi bà con vẫn tự ý đốt rác hoặc chôn lấp tại các bãi rác thải. Ông Vũ Ba Duy, Chủ tịch UBND xã Bản Qua, huyện Bát Xát cho biết: "Trên địa bàn chưa có nhà máy xử lý rác thải, chưa có khu xử lý, do đó chúng tôi cũng chỉ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền bàn con thu gom rác thải, chúng tôi xử lý hình thức đốt”.
Ở một số địa điểm, mặc dù có bể chứa nhưng quy cách lại không đúng quy định như không có nắp đậy, không được lót đáy bằng bê tông, vị trí đặt chưa thuận tiện... Nhiều địa phương cũng gặp khó khăn về kinh phí để thu gom, vận chuyển các bao bì và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đến nơi xử lý. Ông Vũ Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Vược, huyện Bát Xát cho biết: “Hiện tại, xã đang gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển, việc cấp kinh phí vận chuyển hằng năm cũng chưa được cấp. Xã muốn vận chuyển cũng tự bỏ nguồn kinh phí ra thuê vận chuyển về nơi thu gom đúng nơi quy định”.
Khi vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã được thu gom những cũng không được xử lý đúng quy định.
Hiện, toàn tỉnh chỉ có một kho chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh quản lý. Hằng năm, các địa phương, doanh nghiệp thu gom, vận chuyển về đây, tuy nhiên số lượng cũng vô cùng ít. Năm 2022, chỉ có hai xã chuyển vỏ bao bì đến để tiêu hủy với số lượng 1,5 tấn. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 40 tấn vỏ bảo bì và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom để xử lý theo quy định. Bà Cao Thị Hoà Bình, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: "Việc chỉ đạo chưa quyết liệt ở cấp cơ sở. Cấp huyện cũng cần phải chỉ đạo quyết liệt hơn, có thể phần kinh phí để xây dựng bể cũng lớn, trong hướng dẫn nêu rất rõ có thể xã hội hóa cùng với người dân và các địa phương".
Để quản lý tốt việc thu gom, xử lý rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật, các cấp, các ngành, các địa phương sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, quan tâm dành thêm kinh phí cho sự nghiệp môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân về công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải nguy hại theo đúng quy định.
Tiến Dũng - Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết