Nằm ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, xã Y Tý, huyện Bát xát được biết đến là vùng đất mây vờn đẹp nhất nhì Việt Nam, cùng với đó là những triền ruộng bậc thang đẹp như mơ mỗi độ thu về. Không chỉ đẹp bởi cảnh sắc nên thơ, Y Tý còn chứa đựng trong đó nhiều nét văn hóa độc đáo mà ít dân tộc trên dải đất hình chữ S này có được.
Nghề đan lát gắn bó với người Hà Nhì ở Y Tý nhiều đời nay, bằng đôi bàn tay khéo léo họ đã tạo nên những sản phẩm sinh hoạt đơn giản, nhưng vô cùng tiện ích cho cuộc sống thường nhật. Nét độc đáo trong sản phẩm đan lát thủ công của người Hà Nhì chủ yếu do người đàn ông tạo ra trong lúc nông nhàn, hay thời gian rảnh rỗi.
Do điều kiện cư trú ở vùng rừng núi, nên nguồn nguyên liệu khá phong phú, người Hà Nhì đã tạo ra những sản phẩm đan lát, như: rổ rá, mâm ăn cơm, ghế, gùi, địu… bằng các nguyên liệu mây, tre nứa và dây rừng.
Hiện nay, các sản phẩm đan lát của đồng bào các dân tộc vùng núi nói chung, và của người Hà Nhì nói riêng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, do phải cạnh tranh với các đồ dùng bằng nhựa vừa đa dạng lại rẻ tiền. Hơn nữa, những người biết nghề phần nhiều đã già nên người đan lát ngày càng ít đi. Chính quyền địa phương đã vận động người dân, truyền dạy, lưu giữ những giá trị độc đáo của nghề đan lát ngay tại gia đình. Bởi muốn lưu giữ, và phát triển thì nghề đan lát phải có không gian sống, tức là mỗi người dân phải là một nghệ nhân, mỗi gia đình phải là nơi sử dụng, trưng bày các sản phẩm độc đáo này, vừa để giáo dục cho thế hệ trẻ, vừa thu hút khách du lịch khi đến thăm bản làng của người Hà Nhì.
Năm 2017, lần đầu tiên Huyện Bát xát tổ chức Lễ hội mùa thu tại xã Y Tý. Lễ hội đã mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch của địa phương, cũng như giới thiệu đến đông đảo du khách nghề truyền thống độc đáo này.
Một số hình ảnh Phóng viên Đài PT-TH Lào Cai tác nghiệp tại làng nghề xã Y Tý huyện Bát Xát.
Bài, ảnh: Thành Long
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết