Laocaitv.vn - Hội nghị là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới khẳng định lại những cam kết và tạo đà cho Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đạt được năm 2015.
Laocaitv.vn - Hội nghị là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới khẳng định lại những cam kết và tạo đà cho Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đạt được năm 2015.
Bên lề kỳ họp hàng năm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 73 đang diễn ra tại thành phố New York, Mỹ, hôm qua (26/9) diễn ra “Hội nghị Thượng đỉnh Một hành tinh”, dưới sự chủ trì của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới khẳng định lại những cam kết và tạo đà cho Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đạt được năm 2015.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước Đại Hội đồng. Ảnh: Reuters.
Đây là “Hội nghị Thượng đỉnh Một hành tinh” lần thứ 2 được tổ chức dưới sự chủ trì của Pháp, với sự tham dự của khoảng 30 nhà lãnh đạo và bộ trưởng các nước trên thế giới, cùng nhiều lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia và Chủ tịch Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim, với vai trò đồng chủ tịch hội nghị. Nếu như “Hội nghị Thượng đỉnh Một hành tinh” lần thứ nhất là câu trả lời của cộng đồng quốc tế cho quyết định đơn phương của Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu năm 2015, thì cuộc gặp lần thứ 2 này là nhằm khôi phục đà cho nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Chỉ trong một ngày họp, hàng tỷ USD hành động mới đã được thông báo nhằm thúc đẩy một nền kinh tế toàn cầu bền vững, cũng như hỗ trợ những nước dễ bị tổn thương nhất và tài trợ cho quá trình chuyển đổi sinh thái của các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á và vùng Caribe. Một câu lạc bộ gồm 23 ngân hàng phát triển đã thông báo từ nay sẽ dành 1/4 trong số các khoản vay cho các dự án về khí hậu, tức khoảng 200 tỷ USD. Liên minh châu Âu muốn dành 1/4 ngân sách 2021-2027 cho các mục tiêu khí hậu. Tuy nhiên, những cam kết này chỉ chiếm một phần nhỏ trong nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất ở ngưỡng dưới 2 độ C so với những năm 1880.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố, các nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại đây không chỉ để thảo luận, mà còn là để chịu trách nhiệm. Trong hơn 1 năm qua, nhiều cam kết, hành động mới đã được đưa ra. Nhiều Hội nghị thượng định được tổ chức như các cuộc họp của Liên Hợp Quốc tại Bonn, Đức hồi tháng 5 và Bangkok, Thái Lan hồi tháng 9/2018 hay cuộc gặp của lãnh đạo các thành phố, doanh nghiệp diễn ra cách đây chỉ hai tuần tại thành phố San Francisco, Mỹ. Tuy nhiên khoảng cách giữa mục tiêu được nêu trong thỏa thuận khí hậu năm 2015 và cam kết của 180 quốc gia đã phê chuẩn vẫn còn khá xa.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Chúng ta đang để bị thua trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Cũng giống như cách đây 20 năm, có thể hiện nay chúng ta không nhận thức được rõ điều này, song mỗi lần chúng ta lại biết hơn một chút. Khi tôi nói chúng ta đang bị thua trong cuộc chiến, thì tôi muốn các bạn ý thức được rằng, lúc này chúng ta, các nhà lãnh đạo thế giới, những người đứng đầu các chính phủ có thể ngồi cùng nhau như thế này. Song trong 50 năm hay 100 năm tới thì có thể mọi chuyện sẽ không còn như vậy.”
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 24 của Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu, hay còn gọi là COP24 dự kiến diễn ra vào tháng 12/2018 tại Ba Lan. Tuy nhiên, những cuộc họp trù bị cho sự kiện này tới nay đều kết thúc trong sự bế tắc. Bà Patricia Espinosa, một quan chức khí hậu của Liên Hợp Quốc thừa nhận, hiện không có bất kỳ khả năng chắc chắn nào hứa hẹn đây sẽ là một hội nghị thành công, dù điều này không phải là không thể. Con số 30 nhà lãnh đạo và các bộ trưởng tham dự, ít hơn nhiều so với hội nghị lần thứ nhất được tổ chức tại Pháp đã phần nào cho thấy những thách thức mà cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu đang phải đối mặt.
Đến dự hội nghị cùng với cô con gái nhỏ 3 tháng tuổi, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern mang theo thông điệp: “Thời gian không chờ đợi ai. Vì thế, không ai được phép phân tán hành động”. Trái đất đã nóng hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền Công nghiệp và còn tiếp tục nóng lên với tốc độ tăng 0,17 độ/thập kỷ. 1 độ C, một con số tưởng chừng như nhỏ, nhưng lại đủ để tan băng ở Bắc Cực hay làm tăng mực nước các đại dương lên nhiều mét"./.
Tổng hợp)
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết