Laocaitv.vn - Việc Trung Quốc cải tổ phái đoàn đàm phán thương mại và vai trò nổi bật của một nhân vật đặc biệt trong phái đoàn này đã khiến Mỹ lo ngại.
Laocaitv.vn - Việc Trung Quốc cải tổ phái đoàn đàm phán thương mại và vai trò nổi bật của một nhân vật đặc biệt trong phái đoàn này đã khiến Mỹ lo ngại.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng lo ngại về triển vọng đạt được thỏa thuận với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh bất ngờ cải tổ phái đoàn đàm phán và các bên vẫn chưa đạt tiến triển về những vấn đề cốt lõi kể từ cuộc gặp Trump-Tập tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn trả lời giới truyền thông trong chương trình “Hành lang Bộ trưởng". (Nguồn: CGTN).
Nhân vật mới nổi
Bộ Trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn (Zhong Shan), mà một số quan chức Nhà Trắng cho là người có lập trường cứng rắn với Mỹ, đã đảm nhiệm vai trò nổi bật mới trong các cuộc đàm phán thời gian gần đây. Trước đó, ông Chung Sơn đã tham gia một hội thảo trực tuyến cùng với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - người dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc hơn 1 năm qua.
Vai trò của ông Chung Sơn được đặc biệt chú ý chỉ hai tháng sau khi đàm phán giữa các bên sụp đổ vì Washington cáo buộc Bắc Kinh rút lại các cam kết trong bản dự thảo đã được nhất trí trước đó. Dennis Wilder, cựu chuyên viên phân tích Trung Quốc tại Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nhận xét rằng: “Thay đổi này cho thấy sự thiếu tin tưởng đối với vai trò dẫn đầu phái đoàn đàm phán của ông Lưu Hạc, đồng thời cũng thể hiện mong muốn của giới lãnh đạo Trung Quốc muốn đưa một nhân vật khác lên. Tôi chắc chắn mọi quyết định và chỉ dẫn của ông Zhong Shan sẽ cứng rắn hơn với Mỹ”.
Ông Chung Sơn, 63 tuổi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại vào năm 2017, có kinh nghiệm điều hành hai công ty quốc doanh và từng nắm giữ chức vụ Phó Tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang. Ông là quan chức thương mại kỳ cựu thứ hai được bổ sung vào đoàn đàm phán của Trung Quốc thời gian gần đây. Trước đó vào tháng 4, ông Yu Jianhua – Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, một trong những nhà đàm phán thương mại giàu kinh nghiệm nhất của Trung Quốc, đã quay trở lại Bắc Kinh để tham gia đoàn đàm phán.
“Ông Chung Sơn là người cứng rắn nhất trong số những người cứng rắn”, Stephen K. Bannon, cựu cố vấn chiến lược của Nhà Trắng nhận xét.
Cùng chung quan điểm này, Scott Kennedy, Cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington nhấn mạnh, mặc dù Bộ Thương mại Trung Quốc từ trước đến nay vẫn có quan điểm ủng hộ các mối liên kết và hợp tác về thương mại nhưng ông Chung Sơn nhiều khả năng sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lợi ích thương mại của đất nước.
Phản ứng thái quá
Một số chuyên gia cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã phản ứng thái quá trước động thái thay đổi nhân sự nhỏ của Trung Quốc. Ông James Green, quan chức thương mại tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh nhận xét, không có khả năng các quyết định của ông Lưu Hạc sẽ bị ông Chung Sơn phản đối bởi hai người là bạn thân từ thuở thơ ấu. “Một số nhân vật trong Nhà Trắng, những người không có nhiều kinh nghiệm lắm trong việc đối phó với đối tác Trung Quốc, có thể suy diễn quá nhiều. Trên thực tế, tất cả các nhà đàm phán của Trung Quốc đều có ảnh hưởng với nhau và họ kiểm soát lẫn nhau”, ông James Green khẳng định.
Ông Clete Willems, thành viên của công ty luật Akin Gump, từng làm việc tại Nhà Trắng cho biết, việc đưa ông Chung Sơn tham gia phái đoàn đàm phán thương mại có thể phản ánh quan điểm chính trị riêng của Trung Quốc. Giống như đoàn đàm phán của Washington, có Đại diện thương mại Robert Lighthizer – người luôn muốn đạt được một thỏa thuận sắt đá và Bộ trưởng Tài Chính Mnuchin – nhân vật nhạy cảm với những tác động của căng thẳng thương mại đối với thị trường tài chính, Bắc Kinh cũng có nhân vật “diều hâu” và nhân vật ôn hòa. “Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình muốn đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, ông ấy cần phải có cả hai phe này trong đoàn đàm phán”, ông Clete Willems nói.
Hy vọng dần lu mờ
Hy vọng về việc đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đang dần bị lu mờ do thất bại của Bắc Kinh trong thực hiện cam kết mua một lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp của Washington, theo thỏa thuận giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20.
Trong một nỗ lực nhằm hồi sinh các cuộc đàm phán thương mại đang bị đình trệ, Tổng thống Trump đã nhất trí hoãn áp thuế bổ sung đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời cho phép tập đoàn viễn thông Huawei tiếp tục được mua chíp điện tử của các công ty Mỹ, đổi lại Trung Quốc phải đồng ý mua một lượng lớn nông sản Mỹ.
Trước cuộc điện đàm giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc trong ngày 9/7, Tổng thống Trump nói với các phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ rằng ông tin tưởng sẽ có đơn đặt hàng mới của Trung Quốc đối với các sản phẩm lúa mì và đậu nành, như những gì ông đã được hứa tại Osaka, Nhật Bản. Thế nhưng, ông Lưu Hạc và ông Chung Sơn vẫn không đưa ra một cam kết cụ thể nào.
Không chỉ vậy, chính quyền ông Trump vẫn chưa đạt được thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc về một mốc thời gian cụ thể mà Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Robert E. Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ thăm Bắc Kinh để đàm phán trực tiếp với các đối tác Trung Quốc.
Hồi tuần này, nhiều quan chức Mỹ và các đồng minh của Tổng thống Trump lo ngại Trung Quốc đang tận dụng cơ hội hoãn đánh thuế và tìm cách tránh đưa ra những cam kết xác thực. Ông Craig Allen, chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung Quốc tỏ ra lo lắng về sự xói mòn lòng tin giữa các bên.
“Đảng Cộng hòa nhìn chung rất thất vọng vì sự bất hợp tác của Trung Quốc trong giai đoạn này. Rõ ràng, đây sẽ là một tiến trình rất chậm chạp”, nhà kinh tế Stephen Moore, cố vấn của Tổng thống Trump nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, các quan chức Trung Quốc có thể trì hoãn đưa ra bất cứ nhượng bộ thương mại nào cho đến khi họ nhìn thấy sự thay đổi lập trường của ông Trump tại G-20 được hiện thực hóa bằng những giao dịch của Huawei với các công ty Mỹ. Hoặc Trung Quốc sẽ chờ hết nhiệm kỳ của Tổng thống Trump để bắt đầu giai đoạn đàm phán mới, bởi nền kinh tế của nước này, sau giai đoạn giảm sâu vào năm 2018, đã dần ổn định trờ lại nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ.
Trên thực tế, việc Tổng thống Trump lặp đi lặp lại lời đe dọa áp thuế bổ sung đã làm xói mòn niềm tin của chính phủ Trung Quốc về khả năng gắn kết với bất cứ thỏa thuận nào. “Rất khó có một thỏa thuận thương mại giữa các bên trong tương lai gần. Bởi Trung Quốc không còn quan tâm đến việc đạt được một thỏa thuận thương mại lớn với ông Trump nữa”, ông Kennedy nhận xét./.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết