Laocaitv.vn - Theo thống kê của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, năm 2018, cả nước đã ghi nhận 103 người chết do bệnh dại. Trong đó, miền Bắc vẫn là khu vực trọng điểm khi có 17 tỉnh xảy ra bệnh dại và 56% số người tử vong do bệnh dại tập trung ở khu vực này.
Trên nửa triệu người bị chó cắn mỗi năm
Năm 2018, trên 520.000 người phải điều trị dự phòng do chó, mèo cắn. Số người đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại trong năm tăng 4% so với con số này của năm 2017 (có 500.714 người).
Thói quen thả rông, không rọ mõm cho chó, mèo ở nơi công cộng cùng với việc chuyển giao thời tiết nắng nóng là nguy cơ tiềm ẩn gây bùng phát bệnh, dịch dại. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN
Trong số này không có trường hợp nào bị tử vong do bệnh dại sau khi được điều trị dự phòng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thống kê các trường hợp tiêm phòng, chưa tính số người không tiêm vắc xin phòng bệnh dại khi bị chó, mèo, động vật... cắn.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, nước ta hiện có 2 loại vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành là vắc xin Verorab (do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất) và vắc xin Abhayrab (do Công ty Human Biologigical Institute, Ấn Độ sản xuất). Nếu cộng tiền tiêm vắc xin hoặc huyết thanh kháng bệnh dại với chi phí đi lại, ăn ở, chăm sóc... có thể thấy khoản tiền phải bỏ ra để điều trị dự phòng là rất lớn, gây tốn kém cho người bị động vật cắn. |
4 tháng đầu năm 2019, cả nước đã có 16 người chết vì bệnh dại (nhiều lý do như tiêm muộn, từ chối tiêm huyết thanh kháng dại...); 170.000 người bị chó cắn, đến điều trị dự phòng bệnh dại, |
Theo thống kê, số người đi tiêm phòng bệnh dại tăng cao nhất ở khoảng từ tháng 4-10, đạt đỉnh vào tháng 7, sau đó giảm dần tới cuối năm.
Để phòng ngừa bệnh dại trên phạm vi cả nước, các hộ dân cần tiêm phòng định kỳ cho chó, mèo; không thả rông vật nuôi hoặc phải đeo rọ mõm mỗi khi cho vật nuôi ra đường. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho bệnh dại, tuy nhiên có thể điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Trong trường hợp bị chó, mèo cắn, Cục Y tế dự phòng lưu ý bệnh nhân tuyệt đối không đến thầy lang chữa bệnh và không điều trị bằng thuốc nam.
Miền Bắc có tỷ lệ người tử vong do bệnh dại cao nhất cả nước
Mặc dù số người tiêm phòng vắc xin điều trị dự phòng do chó, mèo cắn tăng lên nhưng số người tử vong do bệnh dại năm 2018 ghi nhận trên cả nước là 103 người, tăng 29 trường hợp (tương đương 39%) so với năm 2017. Trong đó, 99/103 ca tử vong do không tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại. Bốn trường hợp tử vong có tiêm vắc xin phòng dại nhưng 3 trường hợp nặng từ chối tiêm huyết thanh kháng dại dù có chỉ định, 1 trường hợp tiêm muộn, khởi phát triệu chứng khi chưa hoàn thành đủ số mũi tối thiểu.
Bệnh dại vẫn đang xảy ra tại 31 tỉnh, thành phố. Trong đó, miền Bắc vẫn là khu vực trọng điểm khi có 17 tỉnh xảy ra bệnh dại và 56% số người tử vong do bệnh dại tập trung ở khu vực này và hầu hết xảy ra ở các tỉnh miền núi có bệnh dại tồn tại nhiều năm. Con số này ở khu vực miền Nam và Tây Nguyên thấp hơn và gần tương đương nhau (lần lượt 19% và 17%); miền Trung có số ca tử vong thấp nhất cả nước (8%).
Tuy nhiên, năm 2018 bệnh dại còn xuất hiện các tỉnh mà năm vừa qua không có ca bệnh dại, trong đó Bến Tre từ năm 2013 không xảy ra ca tử vong nào nhưng tới năm 2018, bệnh dại đã xuất hiện trở lại.
Đa phần các trường hợp tử vong do bệnh dại thường tập trung ở vùng nông thôn, có thói quen nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, kiến thức về phòng ngừa bệnh dại còn nhiều hạn chế.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguy cơ bệnh dại sẽ xuất hiện trong thời gian tới là rất cao, do công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương chưa được thực hiện tốt. Có đến 18 tỉnh thành trong cả nước chưa có số liệu báo cáo về số hộ nuôi chó, số lượng tổng đàn chó để phục vụ cho công tác tiêm phòng. Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó đạt rất thấp (các địa phương chỉ dự kiến số lượng chó được tiêm phòng theo kế hoạch, không theo thực tế số chó thuộc diện tiêm) và công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh dại chưa tốt.
Theo Baotintuc.vn
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết