Cảnh giác những dịch bệnh mùa đông xuân

12:06 27-11-2017 | :732

TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm thăm khám bệnh nhân

Laocaitv.vn - TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, từ đầu tháng 11, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho bốn trường hợp người lớn bị sởi. Một trường hợp người lớn khác bị biến chứng viêm màng não do mắc quai bị cũng đang được điều trị tích cực.

BS Đỗ Duy Cường cho biết, bệnh nhân P.T.H.H (35 tuổi, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 20-11 với triệu chứng sốt, đau đầu, sưng mang tai một tuần trước khi vào viện.

Trước đó, con trai 5 tuổi và chồng chị đều mắc quai bị. Tuy nhiên chị đã không đi khám tại cơ sở y tế mà tự mua thuốc về điều trị. Sau khi uống kháng sinh năm ngày không đỡ, bệnh nhân H. có biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mới chịu vào viện. Tại Khoa Truyền nhiễm, sau khi xét nghiệm dịch màng não tủy, chị được xác định viêm màng não do VR.

Theo TS. Đỗ Duy Cường cho biết, quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại Paramyxo-virus tấn công chủ yếu các tuyến ngoại tiết, thông thường là tuyến nước bọt mang tai. Bệnh quai bị lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi. Bệnh nhân quai bị có khả năng lây truyền virus ba ngày trước khi có biểu hiện lâm sàng (trước khi sưng tuyến nước bọt) cho đến hai tuần sau khi có triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh là 1-2 tuần. Các biến chứng của bệnh quai bị thường gặp là viêm tinh hoàn ở nam giới sau tuổi dậy thì, viêm tuỵ cấp, viêm buồng trứng (nữ giới sau tuổi dậy thì), nặng hơn có thể gây viêm não- màng não...

TS Cường cho biết, teo tinh hoàn là nỗi lo lắng lớn nhất của nam giới trưởng thành khi mắc quai bị. Bởi khi vi-rút tấn công, tinh hoàn sưng to gấp 2 - 3 lần bình thường, người bệnh rất đau. Sau bảy ngày, dù không điều trị, phần lớn tinh hoàn cũng sẽ giảm sưng đau và trở về bình thường. Nếu được điều trị bằng các thuốc chống viêm, giảm đau tình trạng sưng đau sẽ giảm nhanh hơn. Tuy nhiên bệnh nhân cần được theo dõi sát đề phòng biến chứng teo tinh hoàn sau này.

Hiện nay tình hình sốt xuất huyết đã giảm đáng kể, tuy nhiên một số dịch bệnh mùa đông xuân đang có xu hướng nổi lên (sởi, quai bị, cúm, thủy đậu..). Tuy là các bệnh truyền nhiễm lành tính song nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách thì có thể có biến chứng và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Theo nhận định của Trung tâm y tế (TTYT) Dự phòng TP Hà Nội, năm 2017 số mắc bệnh sởi trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng so với hai năm trước. Tại 25 quận, huyện và 56 xã, phường có 63 trường hợp mắc sởi, tăng 61 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016, có một trường hợp tử vong và chưa ghi nhận ổ dịch tại cộng đồng. Riêng số mắc trong tháng 10 chiếm 46% số mắc từ đầu năm. Có đến 30% trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi và đây cũng là đối tượng chưa đến tuổi tiêm chủng.

Người lớn cũng không tránh được bị mắc sởi nếu chưa được tiêm phòng đầy đủ. Tại Khoa Truyền nhiễm, bệnh nhân Đ.V.T (30 tuổi, Kim Bảng, Hà Nam) đang được các bác sĩ điều trị tích cực vì mắc sởi. Bệnh nhân nhập viện sau bốn ngày với các triệu chứng ho, phát ban từ sau tai, lên mặt, lan xuống thân mình, ngực, lưng. Ban đỏ sẩn, đau mắt, chảy nước mắt nhiều.

BS Đỗ Duy Cường cho biết, các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 - 40 độ C, sốt liên tục, kèm theeo các dấu hiệu viêm long. Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy. Có những chấm nhỏ khoảng 1mm nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; chấm có màu đỏ, sung huyết, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12 - 18 giờ.

Sau khi sốt 3 - 4 ngày, trẻ bị phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân, sau khi bay để lại vết thâm trên da. Trẻ ăn kém, mệt, mỏi.

Sau khoảng 3 - 4 ngày ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay, nhạt màu dần, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Cần phân biệt bệnh sởi với ban dị ứng (trẻ thường phát ban từng mảng, dạng mề đay, ngứa) và phát ban trong các bệnh khác (như tinh hồng nhiệt, nhiễm trùng...).

Điều đáng sợ nhất của sởi là các biến chứng. Có khoảng 30% trẻ em bị sởi xuất hiện một hoặc nhiều biến chứng. Các biến chứng thường gặp là viêm phổi, nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não. Cần phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà trẻ vẫn còn sốt.

Tất cả mọi người chưa từng bị quai bị lúc còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vắc xin ngừa quai bị đều có khả năng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Các chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc-xin hỗn hợp 3 trong 1 (MMR- sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả ba bệnh này.

Theo Báo Nhân dân điện tử


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết