Chủ tịch nước: Năm APEC 2017 với nhiều dấu ấn mang tính lịch sử

18:57 27-11-2017 | :649

Laocaitv.vn - Chủ tịch nước nhấn mạnh, Năm APEC 2017 với nhiều dấu ấn mang tính lịch sử đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước.

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia APEC 2017 tổ chức Tổng kết Năm APEC 2017. Dự lễ tổng kết có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, với thành công của Năm APEC 2017, Việt Nam đã thực sự triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XII của Đảng về "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế" với tư cách là “thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, qua đó "nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương"; tranh thủ tối đa cơ hội APEC 2017 để làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác; phát triển, quảng bá vùng miền, địa phương, doanh nghiệp, người dân, với hàng trăm hoạt động, sự kiện của Năm APEC 2017 đã được tổ chức ở nhiều địa phương trong cả nước; nâng cao rõ rệt vị thế quốc tế của Việt Nam.

 

Tiếp đó, các đại biểu đã nghe Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn báo cáo kết quả Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Lãnh đạo các Tiểu ban Nội dung, An ninh và Y tế, Tuyên truyền và Văn hóa, và Vật chất và Hậu cần của Ủy ban Quốc gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ các mặt công tác liên quan.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ tổng kết

Phát biểu tại lễ tổng kết, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các cơ quan từ trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông, các nghệ nhân, nghệ sĩ và đồng bào, chiến sĩ cả nước đã đồng lòng, gắng sức đóng góp vào thắng lợi chung của Năm APEC 2017.

Chủ tịch nước đặc biệt biểu dương Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Ban Thư ký Quốc gia, các tiểu ban và các địa phương, nhất là cấp ủy, chính quyền, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực làm việc không quản ngày đêm với tinh thần trách nhiệm cao nhất trong suốt gần 3 năm qua để chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ, chu đáo cho Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao.

Chủ tịch nước đánh giá cao tinh thần không quản khó khăn của đồng bào và chiến sĩ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã kịp thời khắc phục thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra, đóng góp tích cực vào thành công của Tuần lễ Cấp cao.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Năm APEC 2017, nhất là Tuần lễ Cấp cao lần thứ 25 đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, từ nội dung, văn kiện, tuyên truyền - văn hóa đến lễ tân, hậu cầu, an ninh và y tế, cả về đa phương và song phương, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Đặc biệt, Năm APEC 2017 có sự tham dự đông đủ của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Tuần lễ Cấp cao, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng hơn 11.000 đại biểu, doanh nghiệp và phóng viên trong và ngoài nước là một thành công quan trọng, thể hiện sự quan tâm, coi trọng của khu vực và thế giới đối với Việt Nam và APEC.

Chủ tịch nước cũng cho biết, lãnh đạo các nền kinh tế APEC đều đánh giá cao chủ nhà của Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò dẫn dắt, tạo động lực mới cho một tương lai chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định vai trò của APEC trong quản trị kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch nước khẳng định: Năm APEC 2017 với nhiều dấu ấn mang tính lịch sử đã góp phần nâng cao vị thế  của đất nước

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Năm APEC 2017 với nhiều dấu ấn mang tính lịch sử đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước, khẳng định năng lực chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của APEC về xây dựng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Những thành quả mà Năm APEC 2017 đạt được là minh chứng sinh động cho thắng lợi của thương mại tự do và mở, của hệ thống thương mại đa phương, tạo đà cho triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế thế giới. Đồng thời, thắng lợi này cũng thể hiện tính đúng đắn của đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại  và hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch nước cho biết, tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện rõ qua đề xuất chủ đề, các ưu tiên, ý tưởng, sáng kiến, cách thức chủ trì điều hành các hội nghị, các cuộc đối thoại, gặp gỡ và quá trình thương lượng văn kiện một cách linh hoạt, sáng tạo, vượt qua khác biệt, tạo dựng đồng thuận để không chỉ giữ vững đà hợp tác và liên kết APEC, mà còn góp phần xây dựng tầm nhìn chiến lược của Diễn đàn trong những thập niên tới. Đặc biệt, chúng ta đã tích cực góp phần hình thành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực.

Theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC đối thoại với các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm phối hợp xây dựng cấu trúc kinh tế khu vực bền vững, minh bạch và có khả năng thích ứng cao. Chủ tịch nước nêu rõ, để phát huy vai trò của nước ta và tạo hiệu ứng lan tỏa từ những kết quả, thành công của Năm APEC 2017, các bộ, ban, ngành, địa phương cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của các nền kinh tế chủ nhà APEC tiếp theo để thúc đẩy triển khai các kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC Việt Nam 2017. Đồng thời tập trung xây dựng và triển khai Tầm nhìn APEC sau năm 2020, góp phần khẳng định vị thế chiến lược của APEC là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu, là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu cần thúc đẩy 8 lĩnh vực hợp tác APEC trên cơ sở các sáng kiến mà chúng ta đã đề xuất và được APEC thông qua, trong đó chú trọng phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; Thứ 2 là phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; Thứ 3 là tăng cường an ninh lương thực ứng phó biến đổi khí hậu; Thứ 4 là phát triển nông thôn - đô thị; Thứ 5 là phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo; Thứ 6 là tạo thuận lợi cho thương mại điện tử qua biên giới, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng; Thứ 7 là phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát triển du lịch bền vững. Tôi cũng đề nghị chúng ta cần tích cực tham gia xây dựng chính sách khu vực tại Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương và Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC; duy trì có hiệu quả hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu APEC Việt Nam”.

Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương phát huy uy tín, lợi thế cạnh tranh và những bài học kinh nghiệm từ Năm APEC 2017, cần tiếp tục đề xuất ý tưởng, sáng kiến phù hợp xu thế và quan tâm chung của từng cơ chế để đảm nhận tốt các trọng trách quốc tế trong thời gian tới, nhất là việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Chủ tịch nước cho cho rằng, để nâng tầm đối ngoại đa phương, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tổng kết kinh nghiệm 20 năm tham gia APEC, hơn 20 năm tham gia ASEAN, ASEM và 40 năm tham gia Liên hợp quốc, từ đó xây dựng chiến lược đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói: “Tôi đề nghị chúng ta kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đa phương và song phương, tranh thủ hiệu quả hơn nữa các sự kiện, hoạt động đa phương để làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, huy động các nguồn lực quốc tế, thiết thực phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Thúc đẩy triển khai các thỏa thuận, văn kiện và các hợp đồng đã được ký kết trong Tuần lễ cấp cao APEC nhằm đạt được hiệu quả thiết thực".

Chủ tịch nước cũng đề nghị cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến những thành công của Năm APEC 2017 và tầm quan trọng của hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của đội ngũ cán bộ ở cả Trung ương và địa phương, xây dựng văn hoá hội nhập quốc tế đến từng người dân. Đồng thời đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế, xứng đáng là động lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước. Qua đó góp phần đưa Việt Nam hội nhập và sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới../.

Việt Cường/VOV

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết