Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

14:13 10-02-2023 | :530

Laocaitv.vn - Từ quý IV năm 2022, khó khăn của doanh nghiệp nói riêng và của kinh tế Việt Nam nói chung đã được dự báo trước. Bước sang đầu năm nay, những khó khăn đã bộc lộ rõ khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 1 cao gấp 4 lần số doanh nghiệp thành lập mới.

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh quần áo thời trang, đại diện Công ty TNHH D.Suit Việt Nam cho biết, những tác động của nền kinh tế như lạm phát và lãi suất tăng cao, sự khó khăn của nhiều lĩnh vực ngành nghề… khiến đơn hàng sụt giảm mạnh. Doanh nghiệp phải rất căn cơ trong mọi hoạt động mới có thể cầm cự được. 

"Như năm trước, dù vẫn còn dịch COVID-19 nhưng lượng đơn hàng vẫn ở mức độ chấp nhận được bởi lượng tiền tích lũy của người dân vẫn còn. Thế nhưng, bước sang năm 2023, dường như túi tiền của người dân đã bị ảnh hưởng trực tiếp và doanh số nhiều đơn vị thời trang đã sụt giảm từ 20 - 30% so với mọi năm", ông Đăng Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH D.Suit Việt Nam cho biết.

Theo Tổng cục Thống kê, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng 1/2023 đều có sự sụt giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý trong tháng đầu năm, đã có tới gần 43.900 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia Kinh tế phân tích: "Trong bối cảnh đơn hàng bị suy giảm, doanh nghiệp còn phải đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng khiến lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ… khiến cho doanh nghiệp phải thu hẹp lại sản xuất. Nhiều dự án đầu tư phải đình hoãn hoặc chuyển đổi, thậm chí tạm dừng hoạt động để đối phó với những khó khăn và bất lợi trước mắt".

Do tác động của nền kinh tế như lạm phát và lãi suất tăng cao, hàng nghìn doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường. (Ảnh minh họa)

Lường trước các khó khăn này, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, với 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch hành động để triển khai thực hiện nghị quyết quan trọng này.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan cùng các doanh nghiệp để đưa ra biện pháp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, sẽ tận dụng những thị trường mà Việt Nam đang có thuận lợi, những thị trường trọng điểm, những thị trường có các hiệp định thương mại tự do FTA đã có hiệu lực. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm hiểu từng thị trường và từng mặt hàng đối với thị trường tiềm năng mới".

Các chuyên gia kỳ vọng, việc triển khai nhanh chóng và đưa ra các kế hoạch hành động cho năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương sẽ giúp các doanh nghiệp từng bước vượt khó khăn để phát triển ổn định, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.

Mai Huệ

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết