Kiểm soát năng lực hành nghề của cán bộ y tế

08:47 23-11-2017 | :578

Các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống (Bệnh viện Bạch Mai) ứng dụng hệ thống định vị không gian ba chiều thực hiện phẫu thuật thay đốt sống nhân tạo

Laocaitv.vn - Một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới được nêu trong Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII (Nghị quyết số 20 - NQ/TW) là: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế; khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế; thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế.

Thực tế tại nhiều quốc gia cho thấy, cùng với sự phù hợp về số lượng, sự cân đối về cơ cấu và phân bố, năng lực hành nghề của nhân lực y tế là tiền đề quan trọng tạo nên chất lượng dịch vụ y tế. Các quốc gia trên thế giới đều chú trọng chuẩn hóa cơ sở cũng như chương trình đào tạo nhằm bảo đảm nhân lực y tế trước khi tham gia hệ thống khám, chữa bệnh phải đạt được những chuẩn năng lực cơ bản. Việc sát hạch năng lực hành nghề đã được nhiều nước trên thế giới và phần lớn các nước trong khu vực Đông - Nam Á quan tâm, coi đó là điều kiện bắt buộc trước khi cấp phép hành nghề. Mục đích của quy định này trước hết là vì sự an toàn cho người bệnh, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế thật sự chất lượng, tiếp đến là vì lợi ích của chính cơ sở y tế. Chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của nhân lực y tế tại hầu hết các nước được kiểm soát bởi một tổ chức độc lập do Chính phủ ủy quyền. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm quy định về xây dựng chuẩn năng lực của các loại hình nhân lực y tế, tổ chức thi cấp độ quốc gia đánh giá năng lực để làm điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, tư vấn các chính sách liên quan đến bảo đảm chất lượng hành nghề của nhân viên y tế…

Ở Việt Nam, đào tạo nhân lực y tế đã được đặc biệt chú trọng trong những năm gần đây thông qua việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo, cùng với đào tạo chính quy còn có nhiều hình thức đào tạo khác như: cử tuyển, liên thông, đào tạo theo địa chỉ… với sự tham gia ngày càng nhiều của các cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập. Nhờ vậy mà chỉ số bác sĩ/mười nghìn dân ở nước ta trong thời gian qua đã được cải thiện rõ rệt, tăng hơn 2,5 lần sau 30 năm, từ 3,2 bác sĩ/mười nghìn dân (năm 1986) lên 8,2 bác sĩ/mười nghìn dân (năm 2016).

Bên cạnh những kết quả về tăng trưởng nhanh số lượng cán bộ y tế, vấn đề bảo đảm chất lượng cũng ngày càng được Đảng, Chính phủ và toàn xã hội quan tâm. Hiện nay, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, việc cấp giấy phép hành nghề cho cán bộ y tế vẫn chỉ dựa trên hồ sơ theo kết quả thi tốt nghiệp do các cơ sở đào tạo thực hiện. Bởi vậy, yêu cầu cấp bách đang đặt ra là cần sớm có một cơ chế thẩm định khách quan, độc lập nhằm bảo đảm sinh viên các trường y dù được đào tạo ở cơ sở nào sau khi tốt nghiệp cũng có đủ năng lực cơ bản, thiết yếu có thể hành nghề một cách độc lập.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Chính phủ đã được ban hành. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành T.Ư đã khẳng định, cần phải tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ngày 20-6-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2017/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, trong đó có nhiệm vụ “Quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc thi để xét cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật”. Tiếp đến, ngày 5-10-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2017/NĐ-CP về Quy định tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, trong đó xác định rõ nguyên tắc bảo đảm an toàn cho người sử dụng dịch vụ y tế… Đặc biệt, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 cũng đã nêu rõ các giải pháp: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; thành lập hội đồng y khoa quốc gia; tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp với thông lệ quốc tế…

Để từng bước hiện thực hóa các chủ trương, chính sách nêu trên, cần khẩn trương xây dựng và phê duyệt đề án thành lập hội đồng y khoa quốc gia là cơ quan độc lập thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của cán bộ y tế. Mặt khác, thi để được xét cấp phép hành nghề mặc dù là một giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của cán bộ y tế, song đây là một việc làm mới chưa từng có tiền lệ ở nước ta. Do vậy, cần phân tích thấu đáo về những lợi thế cùng những thách thức, bất cập trong thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi.

Bên cạnh đó, việc thi cấp chứng chỉ hành nghề y tế cũng đang phải đối mặt nhiều thách thức, bất cập trong thực tiễn, đó là: các cơ sở đào tạo còn chậm chuyển đổi phương thức đào tạo từ nặng về cung cấp kiến thức sang tạo ra năng lực thật sự để cung cấp dịch vụ đáp ứng mô hình bệnh tật thực tế của Việt Nam.

Có thể thấy đổi mới đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của hệ thống y tế, kiểm soát năng lực hành nghề chặt chẽ là đòi hỏi tất yếu nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là việc làm thiết thực nhằm cụ thể hóa những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới vào thực tế cuộc sống. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Theo Báo nhân dân điện tử


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết