Ngân hàng nào đang có mức nợ xấu cao nhất?

07:33 20-05-2019 | :663

Laocaitv.vn - Theo thống kê, hiện 11/15 ngân hàng có số nợ xấu tăng trong 3 tháng đầu năm. Các ngân hàng đang ráo riết xử lý nợ xấu.

Số liệu thống kê từ Báo cáo tài chính quý 1/2019 của 15 ngân hàng lớn và trung bình của Việt Nam cho thấy, có sự phân hóa rõ nét về tình hình nợ xấu giữa các ngân hàng.

Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2019, tổng nợ xấu của 15 ngân hàng ở mức hơn 76.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với hồi đầu năm.

Về giá trị tuyệt đối, 11/15 ngân hàng có số nợ xấu tăng trong 3 tháng đầu năm. Nhờ đẩy mạnh tín dụng nên chỉ có 9/15 nhà băng có tỷ lệ nợ xấu/tổng cho vay gia tăng.

Hiện, VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất, chiếm tới 3,62%/tổng cho vay, so với con số hồi đầu năm là 3,5%. Tiếp đó là ngân hàng NCB, với tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,72%. Con số này tăng khá mạnh so với mức 1,67%/tổng cho vay những tháng trước đó.

 

Về con số tuyệt đối, BIDV đang là ngân hàng có số nợ xấu lớn nhất, với gần 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng mừng là con số này đã giảm nhẹ 4,9% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vì vậy cũng giảm từ mức 1,9% xuống còn 1,74%/tổng cho vay.

Ngoài BIDV, thời gian qua một số ngân hàng cũng đã giảm được tỷ lệ nợ xấu so với đầu năm như: ACB, Sacombank, LienVietPostBank, HDBank...

Những con số thống kê này cho thấy tín hiệu đáng mừng, đó là quá trình xử lý nợ xấu của một số tổ chức tín dụng được đẩy nhanh hơn. Những tổ chức này đã hạn chế chuyển nợ sang VAMC mà tích cực xử lý nợ xấu qua các hình thức: bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo và sử dụng dự phòng rủi ro…

Nhiều ngân hàng đã và đang tích cực đẩy lùi nợ xấu. (Ảnh minh họa: KT)

Là ngân hàng đứng thứ 2 về tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, tính đến cuối năm 2018, Vietcombank đã tự xử lý được khoảng 22.600 tỷ đồng nợ xấu, bằng 134% kế hoạch giai đoạn năm 2016 - 2018, đạt 75% kế hoạch giai đoạn năm 2016 – 2020, theo Đề án cơ cấu lại Vietcombank đến năm 2020 đã được NHNN phê duyệt. Riêng 3 tháng đầu năm 2019, Vietcombank tự xử lý thêm 200 tỷ đồng nợ xấu.

Tính đến hết tháng 3/2019, ngân hàng này đã thu hồi được 8.863 tỷ đồng nợ ngoại bảng, đạt 71% kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020. 

Chia sẻ về các giải pháp xử lý nợ xấu, ông Phạm Mạnh Thắng cho biết, Vietcombank đã sử dụng nguồn lực hiện có của mình để tập trung thu hồi nợ xấu. Về chính sách, yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng có nợ xấu từ 3% trở lên hoặc với số tiền 50 tỷ đồng nợ xấu trở lên phải thành lập ban xử lý nợ xấu. 

Đối với các chi nhánh có nợ xấu trên 50%, Vietcombank yêu cầu thành lập ra một ngân hàng xấu và một ngân hàng tốt. Trong đó, giám đốc chi nhánh phải chịu trách nhiệm quản lý ngân hàng xấu đó để mà xử lý nợ xấu. Sau khi xử lý xong sẽ tiến hành củng cố để “đẩy” ngân hàng phát triển mạnh lên. Song song với việc thành lập 2 ngân hàng trong 1 chi nhánh như vậy, Vietcombank đã hoàn thành việc cơ cấu cũng như đưa nhân lực vào xử lý nợ xấu. 

Với những giải pháp hữu hiệu, đến hết tháng 3/2019, nợ xấu của Vietcombank còn hơn 6.000 tỷ, số dư nợ giảm xuống, tỷ lệ nợ xấu là 1,03%. Ngân hàng này kỳ vọng những năm tới, nợ xấu sẽ giảm xuống dưới 1% như mục tiêu đặt ra. 

Để công tác xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao, ông Thắng cho rằng, Vietcombank nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung cần nỗ lực chuyển mình, tập trung nguồn lực trong công tác kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý thu hồi nợ để nhanh chóng xử lý triệt để nợ xấu, phá tan “cục máu đông”, khơi thông dòng vốn, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Ông Bùi Văn Hải, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) đánh giá, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng đến nay đã đạt được nhiều kết quả khả quan; chất lượng tín dụng của các nhà băng đã được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã giảm xuống dưới 2%.

Điểm quan trọng nhất là khuôn khổ pháp lý đã được hoàn thiện một bước cơ bản, cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng cơ cấu lại và xử lý nợ xấu đã được sửa đổi, bổ sung.

Tỷ lệ này giảm về mức thấp cũng phản ánh các tổ chức tín dụng đang kiểm soát tốt nợ xấu phát sinh mới, bên cạnh kết quả xử lý nợ xấu tích tụ từ trước đây.

Mới đây, NHNN đã dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 19/2013/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC. Theo đó, tất cả các ngân hàng đang còn số dư trái phiếu đặc biệt của VAMC sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt. Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng đều ý thức được do đang trong quá trình tái cơ cấu và đẩy mạnh xử lý nợ xấu, lợi nhuận thu về chủ yếu để trích lập dự phòng nên không ít ngân hàng vẫn nói “không” với việc chia cổ tức cho cổ đông, tiếp tục tích lũy của để dành cho các năm sau./. 

Chung Thủy/VOV.VN


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết