Laocaitv.vn - Chuyên gia cho rằng, nếu Bộ Tài chính tăng cường quản lý các khoản thu nhập khác tốt hơn là thuế TNCN.
Laocaitv.vn - Chuyên gia cho rằng, nếu Bộ Tài chính tăng cường quản lý các khoản thu nhập khác tốt hơn là thuế TNCN.
Nâng mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ước tính khiến ngân sách Nhà nước giảm thu hơn 10.000 tỷ đồng. Nhưng đây là một trong những chính sách được Bộ Tài chính chủ động đề xuất từ đầu tháng 3, với kỳ vọng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, và cũng là để thực thi quy định trong Luật Thuế TNCN sửa đổi.
Trước tác động của tình hình dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất nhóm các giải pháp hỗ trợ bằng chính sách tài khoá, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là đề xuất thực hiện gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng mức khoảng 200.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Theo tham mưu của Bộ Tài chính, Chính phủ mới đây đã ban hành hành Nghị định số 41 năm 2020 về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tiếp theo, Bộ Tài chính kỳ vọng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN sẽ sớm được thông qua.
Cần quản lý các khoản thu nhập khác để việc giảm thu thuế TNCN không làm ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN, trong đó dự kiến điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng.
“Việc điều chỉnh sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu đối tượng sẽ không phát sinh thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2020. Tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm nay khoảng 10.300 tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin.
Đề xuất nâng mức giảm trừ giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN cũng là để thực thi quy định trong Luật thuế TNCN sửa đổi năm 2012. Đó là khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động hơn 20% thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN.
Đáng chú ý là khác với một số giải pháp hỗ trợ có tính ngắn trong giai đoạn dịch Covid-19, việc đẩy nhanh thực thi việc giảm mức thu từ thuế TNCN cũng mang tính khởi đầu cho một kỳ tính điều chỉnh mức tính thuế TNCN, làm giảm mức đóng góp thuế cho người dân trong dài hạn.
Nhìn nhận về khó khăn của ngân sách Nhà nước năm nay, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, ngân sách năm 2020 sẽ gặp khó khăn bởi ngoài vấn đề giảm trừ gia cảnh trong nộp thuế TNCN, còn có khó khăn lớn hơn từ dịch Covid-19. Trong điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nộp thuế TNCN, nếu điều tiết giảm đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến ngân sách. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng sẽ tìm cách tăng cường quản lý các khoản thu nhập khác tốt hơn là thuế TNCN.
“Bộ Tài chính cần tập trung vào tăng cường quản lý các khoản thu nhập khác để việc giảm thuế TNCN không làm ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước. Cụ thể là cần nắm chắc được các khoản thu nhập phát sinh từ bất động sản, chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ thừa kế quà tặng,… những khoản đó nếu được tăng cường quản lý sẽ đảm bảo bù đắp lại được những phần thiếu hụt do tăng mức giảm trừ gia cảnh”, bà Cúc đề xuất./.
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết