Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Hội thảo về động lực tăng trưởng kinh tế

08:02 16-11-2017 | :483

Ngày 15/11, Hội thảo Kinh tế Việt Nam: “Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. GS.TS. Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức quốc tế tham dự.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc phát triển nhanh, bền vững là chủ trương rõ ràng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và là mệnh lệnh của cuộc sống để rút ngắn khoảng cách với các nước khác trên thế giới.

Theo đó, tăng trưởng nhanh và bền vững dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập kinh tế quốc tế và ngược lại, tăng trưởng nhanh và bền vững sẽ tăng cường ổn định vĩ mô, hội nhập quốc tế.

Về mặt xã hội, tăng trưởng nhanh, bền vững phải bảo đảm tăng trưởng bao trùm, toàn diện vì con người. “Nếu không huy động đông đảo người dân tham gia đóng góp cho tăng trưởng thì sự tăng trưởng sẽ không thành công và thành quả của tăng trưởng không được chia sẻ tới các tầng lớp nhân dân thì tăng trưởng sẽ không có ý nghĩa gì, không bảo đảm được mục tiêu không một ai bị bỏ lại phía sau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu rõ đây là cơ hội rất tốt để Chính phủ và cá nhân ông lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá bối cảnh hiện nay đối với sự phát triển của Việt Nam. “Trong điều kiện tự do hoá thương mại có vẻ gặp nhiều trở ngại, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội tốt nhưng cũng gây nguy cơ Việt Nam bị bỏ lại xa hơn nếu “lỡ tàu”; kinh tế thế giới có diễn biến khó đoán định, phục hồi không đồng đều. Trong nước thì thiên tai, biến đổi khí hậu đến nhanh hơn và khó lường; dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ không có nhiều khi vừa phải giải quyết các khuyết tật của nền kinh tế đã tích tụ nhiều năm và vừa phải tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Vậy Chính phủ cần phải làm gì?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Thứ hai, để phát triển nhanh và bền vững thì Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu làm rõ mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam với các nội hàm và cách thức thực hiện. “Phải chăng động lực là dựa trên nền tảng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, nhiệm vụ nào là trước mắt, hay nhiệm vụ căn cơ của tái cơ cấu nền kinh tế. Giải quyết mối quan hệ nguồn lực nước ngoài là quan trọng và nội lực trong nước là quyết định như thế nào”, Phó Thủ tướng nói.

Để phục vụ cho đánh giá hiệu quả nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ mong muốn lắng nghe các chuyên gia góp ý về hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội khi còn thiếu vắng nhiều chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng. Các chỉ tiêu này cũng là công cụ để giám sát quá trình điều hành kinh tế của Chính phủ và thống nhất được nội hàm và nhận thức để các ngành, lĩnh vực, mỗi cá nhân đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Thứ ba, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý cần phân tích, đánh giá thêm về cơ hội, thách thức của Việt Nam hiện nay, động lực tăng trưởng chủ đạo của Việt Nam là gì, chứ không phải động lực nào cũng thành mũi nhọn cả. Đánh giá môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam từ góc độ của doanh nghiệp và sắp tới cần thúc đẩy năng lực quốc gia như thế nào?

Thứ tư, bên cạnh việc chọn lọc thu hút đầu tư nước ngoài thì phải kết nối khối này với khối doanh nghiệp trong nước, để cả hai cùng mạnh lên, tránh rủi ro "hai nền kinh tế trong một quốc gia".

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, đại biểu và đại diện doanh nghiệp đến phút cuối cùng. Đặc biệt, dù Hội thảo đã bế mạc, Phó Thủ tướng vẫn nán lại hội trường trao đổi thêm, đồng thời ông đề nghị đại diện cơ quan kết nối doanh nghiệp gửi trực tiếp các ý kiến chính thức về các khúc mắc để Chính phủ xem xét, từ đó có biện pháp quyết liệt, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp xã giao đại diện của các đối tác phát triển của Việt Nam như: Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Đại sứ của Ấn Độ, Singapore.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết