Sử dụng hóa đơn điện tử chặn nạn mua bán hóa đơn trái phép

08:39 23-08-2018 | :327

Laocaitv.vn - Việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ góp phần đáng kể trong việc hạn chế doanh nghiệp "ma" chuyên mua bán hóa đơn khống.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về Hóa đơn điện tử (HĐĐT) (sửa đổi) với những nội dung cụ thể đối với các đối tượng thuộc diện phải sử dụng hoá đơn điện tử. Theo đó, quy định người bán hàng hóa, dịch vụ là doanh nghiệp (DN) phải sử dụng HĐĐT.

Trong đó, các DN kinh doanh ở các lĩnh vực điện; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; thương mại điện tử; siêu thị… được sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế (trừ trường hợp đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Người bán hàng hóa, dịch vụ là doanh nghiệp sẽ phải sử dụng HĐĐT (Ảnh minh họa: KT)

Đối với các tổ chức kinh tế còn lại, DN thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng quy định, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên phải sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng có doanh thu năm trước liền kề từ 1 tỷ đồng trở lên cũng phải sử dụng HĐĐT có mã xác thực được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế, hoặc HĐĐT có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt có kết nối với ngân hàng.

Đặc biệt, theo quy định tại dự thảo Nghị định, hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc phải sử dụng HĐĐT, nhưng có yêu cầu thì được sử dụng theo quy định. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh không có đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để tự khởi tạo HĐĐT, nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng, thì được cơ quan thuế cấp HĐĐT có mã xác thực theo từng lần phát sinh và phải khai, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp HĐĐT theo từng lần phát sinh.

Chặn nạn mua bán hóa đơn "khống"

Thực tế, hiện có nhiều DN chọn cách mua hóa đơn để bù trừ và cân đối giữa thuế đầu vào, đầu ra, hạn chế số thuế Giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp. Do đó, nhiều DN "ma" ra đời với mục đích cung cấp hóa đơn cho những DN, cá nhân có nhu cầu hợp thức hóa dòng tiền.

Thời gian qua, cơ quan Thuế trên cả nước đã phối hợp với cơ quan điều tra ngăn chặn và triệt phá không ít đường dây mua bán hóa đơn "khống" lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc mua bán hóa đơn trái phép gây thất thoát không ít tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước do DN mua khai khống đầu vào, đầu ra để giảm số tiền nộp thuế GTGT và thuế Thu nhập DN. Đồng thời, hành động này gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN, mất tính công bằng cho môi trường kinh doanh.

Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Ban soạn thảo luật cũng đã bổ sung quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử vào dự thảo luật. Theo đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định. Khi lập hóa đơn điện tử phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Dự thảo luật cũng quy định việc đăng ký, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, kế toán, thuế và quy định của pháp luật thuế, pháp luật kế toán. Dữ liệu hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử để phục vụ công tác quản lý thuế và cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc cấp mã xác thực của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử dựa trên thông tin của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, hoặc tổ chức khác và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, việc chuyển đổi từ giao dịch sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là yêu cấu tất yếu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch và góp phần đáng kể trong việc hạn chế DN "ma" chuyên mua bán hóa đơn khống.

"Việc chuyển đổi hình thức hóa đơn điện tử cũng sẽ giúp ngành Thuế “quản” được việc phát hành hóa đơn của người nộp thuế, hỗ trợ tích cực cho công tác đối chiếu, xác minh hóa đơn để qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp", ông Thịnh nhận định.

Cũng theo PGS. Đinh Trọng Thịnh, sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp cơ quan Thuế xây dựng được cơ sở dữ liệu hóa đơn tập trung và thống nhất để phục vụ công tác quản lý thuế của Nhà nước, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế. Trên cơ sở đó sẽ giảm thiểu được các rủi ro cho cơ quan Thuế và doanh nghiệp sử dụng hóa đơn, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, để hóa đơn điện tử trở nên phổ cập, cần rất nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để thay đổi nhận thức, tư duy của người dân và công đồng DN kinh doanh tại Việt Nam./.

Cẩm Tú/VOV.VN


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết