Laocaitv.vn - Thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) các đối tượng tiếp cận, rủ rê, giả vờ làm người yêu, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp… để lừa bán làm vợ, đẻ thuê, ép buộc làm mại dâm, cưỡng bức lao động…
Tuyên truyền phòng chống tội phạm buôn bán người ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN
Tại “Hội thảo Rà soát, đánh giá chính sách pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” diễn ra ngày 11/9, tại Hà Nội; Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Thị Hà cho biết: Tình hình mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tại Việt Nam cũng có chiều hướng gia tăng.
Các đối tượng tội phạm hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt: lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường phổ thông, đại học; thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) các đối tượng tiếp cận, rủ rê, giả vờ làm người yêu, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp… để lừa bán làm vợ, đẻ thuê, ép buộc làm mại dâm, cưỡng bức lao động…
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012 đến hết năm 2017, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người.
Qua điều tra, rà soát cho thấy trên 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em; trên 80% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn, nhận thức, tiếp cận thông tin ít hơnvà có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; hơn 70% nạn nhân làm nông nghiệp hoặc không có việc làm; 37,2% không biết chữ và khoảng 6,8% nạn nhân là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên. Trên 98% nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, trong đó chủ yếu sang Trung Quốc (trên 90%). Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (gần 80%).
Đáng chú ý, 100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận, xác minh đều được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; 50% (khoảng trên 3.500 nạn nhân) được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các chế độ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định.
“Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác phòng, chống mua bán người nói chung và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng. Từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 đến nay, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành hệ thống các văn bản, chính sách cơ bản đồng bộ, có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trong thực tế, đã nảy sinh những bất cập về cơ chế, chính sáchdẫn đến việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chưa đạt hiệu quả như mong muốn”, bà Nguyễn Thị Hà cho biết.
Trước tình hình đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Tổ chứcDi cư quốc tế tổ chức Hội thảo rà soát, đánh giá chính sách pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Các tỉnh, thành phố cũng chia sẻ về kết quả đạt được trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cũng như những khó khăn, bất cập gặp phải trong thực tế và đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trên cơ sở kết quả hội thảo đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Theo Baotintuc.vn
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết