Laocaitv.vn - Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2020. Riêng các quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử tới tháng 7/2022 mới có hiệu lực thi hành.
Laocaitv.vn - Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2020. Riêng các quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử tới tháng 7/2022 mới có hiệu lực thi hành.
Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng nay (13/6), với hơn 91,3% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Luật gồm 17 chương 152 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 151 (Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực từ ngày 1/7/2022). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được khuyến khích áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của luật này trước ngày 1/7/2022.
Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần MISA, việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ thấy hiệu quả ngay lập tức. Tổng chi phí sử dụng hóa đơn giấy trung bình là 15.000 đồng (gồm phí chuyển phát nhanh, thêm chi phí viễn thông, lưu kho, thất lạc...). Nhưng khi chuyển sang hóa đơn điện tử, doanh nghiệp chỉ tốn 500 đồng.
Nếu mỗi doanh nghiệp loại nhỏ dùng 1.000 hóa đơn điện tử một năm, trong khi hiện Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, nền kinh tế có thể tiết kiệm khoảng 10.000 tỷ đồng, ông Hoàng phân tích.
Không chỉ giảm chi phí, hóa đơn điện tử còn rút ngắn thời gian làm việc giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, giảm gánh nặng công việc cho bộ phận kế toán và rủi ro, sai sót cũng xuống thấp.
Giải trình trước Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính-Ngân sách của Quốc hội - đã lưu ý đến những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế.
"Có đại biểu đề nghị bổ sung hành vi nghiêm cấm lợi dụng chuyển giá, tránh thuế để sắp đặt trốn thuế, hưởng lợi và hành vi cấm xuất hóa đơn ảo, làm hợp lý hóa chi phí gây thất thoát nguồn thu, chi ngân sách nhà nước", ông Hải nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung hành vi nghiêm cấm trong việc chuyển giá vào khoản 1 Điều 6 của dự thảo Luật. Đồng thời, hành vi trốn thuế đã bao hàm nội dung về tránh thuế, do vậy UBTVQH xin Quốc hội không bổ sung trong dự thảo Luật. Theo đó, khoản 1 Điều này được quy định như sau: "Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế", ông Nguyễn Đức Hải nêu rõ.
Ngoài ra, rà soát bỏ quy định về hành vi bị cấm tại khoản 3 Điều 95 về hệ thống thông tin của người nộp thuế tại dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 để bổ sung hành vi bị cấm đối với việc làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá huỷ hệ thống thông tin về người nộp thuế tại khoản 8 Điều 6 của dự thảo Luật.
Riêng hành vi cấm xuất hoá đơn ảo, làm hợp lý hoá chi phí đã được quy định tại khoản 7 Điều 6 của dự thảo Luật, do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ như dự thảo Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 lần này.
Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có quy định rõ về những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế như sau:
Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.
Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế.
Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế.
Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.
Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.
Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật.
Bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế./.
Trần Ngọc/VOV.VN
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết