Xuân Mậu Thân 1968: Tuyến lộ Vòng Cung - “đất lửa” nở hoa

11:54 03-02-2018 | :750

Laocaitv.vn - Tuyến lộ Vòng Cung Cần Thơ – Vành đai lửa trong sự kiện Mậu Thân 1968 là hình ảnh cao đẹp, đi vào lịch sử của Thành phố Cần Thơ.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã diễn ra tròn 50 năm. Thời gian càng lùi xa song thắng lợi của Xuân Mậu Thân là bất diệt. Cần Thơ  - chiến trường trọng điểm 1 của Khu ủy Tây Nam Bộ đã chiến đấu oanh liệt, đặc biệt là mặt trận Vòng Cung, góp phần điểm tô vào trang sử sáng chói của dân tộc Việt Nam, đánh bại “chiến lược chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và tay sai; có ý nghĩa quan trọng tạo đà liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh khác của chúng, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.  

xuan mau than 1968 tuyen lo vong cung  dat lua no hoa hinh 1
Hình ảnh trưng bày tại Hội thảo khoa học 'Lộ Vòng cung Cần Thơ – Vành đai lửa'.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, tuyến Lộ Vòng Cung đi qua các địa phương: phường Phước Thới, Trường Lạc (quận Ô Môn) xã Tân Thới, thị trấn Phong Điền, xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) và phường An Bình (quận Ninh Kiều) hiện nay. Đây là địa danh quân sự, cánh cửa mở cho các lực lượng ta đánh vào trung tâm nội ô Cần Thơ. Quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng xác định đây là “cánh cửa thép”, vành đai bảo vệ sân bay Trà Nóc, Phi Trường 31, cùng Bộ Chỉ huy vùng IV chiến thuật, Quân đoàn IV, Tiểu khu Phong Dinh…

Vì vậy, trên tuyến Lộ Vòng Cung, Mỹ - Ngụy đã lập hàng trăm đồn, bốt và nhiều chi khu, yếu khu hòng ngăn chặn lực lượng quân giải phóng tiến vào. Chính vì đây là “túi hứng bom đạn”, là “tọa độ lửa” mà nhà thơ Lâm Thao đã khái quát sự đánh phá ác liệt của địch đối với địa bàn Vòng Cung: “Vòng Cung đi dễ khó về/Đạn chen đầu đạn bom kề hố bom”.

Tuyến lộ này được ví như một “vành đai lửa”, là nơi đối đầu ác liệt của quân, dân ta với địch; đất đai vườn tược bị bom cày đạn xới hoang tàn, nhất là sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Nhận rõ vị trí trọng yếu của Tuyến lộ Vòng Cung, Quân khu 9 và Tỉnh ủy Cần Thơ (nay là Thành ủy Cần Thơ) cũng chọn nơi đây để tập kết lực lượng, làm bàn đạp tiến công vào thành phố Cần Thơ và các mục tiêu quân sự trọng yếu khác của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

50 năm đã đi qua, nhưng nhắc lại những ngày tháng lịch sử này, Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9 vẫn nhớ như in từng trận đánh:

“Để giải quyết thắng lợi có tầm quan trọng quyết định về chiến lược, lúc đó chủ trương của Quân ủy Trung ương, cụ thể là miền, chỉ đạo cho khu 9 tiến hành một cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968. Trong điều kiện đó địch bị đánh trước một ngày ở miền Trung. Khu vực này chậm 1 ngày. Ta dùng lực lượng tổng hợp rất đông, chủ yếu là lực lượng Quân khu có 1 lữ đoàn và lực lượng của tỉnh và địa phương. Trên nguyên tắc là tập trung tất cả cho trọng điểm 1. Khoảng 16.000 quân từ chủ lực đến địa phương và dân quân du kích” – Thiếu tướng Trần Văn Niên kể lại. 

xuan mau than 1968 tuyen lo vong cung  dat lua no hoa hinh 2
Lộ Vòng Cung đã được công nhận là khu di tích lịch sử Quốc gia.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Cần Thơ diễn ra trong 3 đợt, kéo dài trong năm 1968, có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, mở ra cục diện mới trên chiến trường. Đây là lần đầu tiên ta dùng một lực lượng lớn tổng hợp đánh vào thành phố lớn nhất vùng Tây Nam Bộ, bám trụ và giằng co với địch nhiều ngày ở nội ô và ven thành phố… 

Tuyến Lộ Vòng Cung Cần Thơ – Vành đai lửa trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là hình ảnh cao đẹp của tinh thần “tất cả cho trọng điểm, cho phía trước, cho chiến thắng” của Đảng bộ, quân dân Tây Nam Bộ và đã đi vào lịch sử của Thành phố Cần Thơ.

Bà Đinh Thị Nương tham gia công tác địa phương thời điểm đó hiện nay cư trú tại Phường Trà An, quận Bình Thủy cho biết, chiến tranh giờ đã lùi xa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên Tuyến Lộ Vòng Cung đã vượt lên khó khăn, đoàn kết, ra sức xây dựng trên vùng đất đạn xới hoang tàn đổ nát.

“Lúc mới giải phóng thì chưa thấy thay đổi nhiều, dần dần mỗi năm có sự phát triển, nhất là khu vực Phong Điền. Khu vực này trước là vùng giải phóng, giờ thì nào chợ, khu du lịch mở ra. Dân ở đây tốt lắm, yêu cách mạng lắm” – bà Đinh Thị Nương cho biết.

Có thể thấy rằng, với chủ trương đúng đắn của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp TP Cần Thơ, các xã, phường, thị trấn trên Tuyến Lộ Vòng Cung – “vành đai lửa” trong kháng chiến giờ đây đã có sự phát triển vượt bậc.

Đến nay, tất cả các xã trên Tuyến Lộ Vòng Cung đều đã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Phong Điền cũng là huyện nông thôn mới đầu tiên của Thành phố Cần Thơ và là huyện nông thôn mới thứ 2 ở khu vực ĐBSCL. 

xuan mau than 1968 tuyen lo vong cung  dat lua no hoa hinh 3
Nhiều mảnh đất bom cày đạn xới năm xưa giờ đã xanh màu của cây trái đặc sản.

Ông Trần Quốc Trung, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ nêu rõ, với tinh thần trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào, Đảng bộ, quân và dân Cần Thơ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết, ra sức xây dựng thành phố phát triển, thực sự là trung tâm kinh tế - xã hội, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng.

 “Đảng bộ, chính quyền Thành phố Cần Thơ quyết tâm xây dựng vùng đất Lộ Vòng Cung từ “Vành đai lửa” năm xưa trở thành vành đai xanh nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ” – ông Trần Quốc Trung nói.

Những bài học của sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa sâu sắc đối với các sự kiện tiếp theo, nhất là đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm đã qua đi, kinh nghiệm và khí phách của cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cổ vũ thế hệ hôm nay xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 
Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết