Ý kiến phản biện về một số bài học trong sách công nghệ giáo dục

08:35 07-09-2018 | :670

Laocaitv.vn - Nhiều giáo viên, phụ huynh có ý kiến về một số bài học chưa chuẩn trong sách CNGD thì có quan điểm cho rằng, đây chỉ là áp đặt suy nghĩ của người lớn...

Mới đây, trên một số diễn đàn, mạng xã hội, nhiều phụ huynh, giáo viên đã bày tỏ sự lo ngại về những nội dung một số bài học trong cuốn sách "Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục (CNGD) lớp 1" do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản.

Một số bài học dạy học sinh sống tiểu xảo?

Nhiều giáo viên, phụ huynh cho rằng, có những bài học nội dung không phù hợp với trẻ. Ví dụ bài "Quả bứa" (trang 87, sách "Tiếng Việt - CNGD lớp 1, tập 2") kể câu chuyện 2 cháu Năm và Sáu đi qua vườn quả. Năm thấy quả liền la (hô) to và Sáu nhặt quả bứa. Hai cháu giành qua giành lại, cậu Cả đi qua và phân xử.

Cậu Cả bổ quả bứa và phán: "Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao. Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi".

Bài "Quả bứa" trong sách "Tiếng Việt - CNGD lớp 1, tập 2" đang gây nhiều tranh cãi 

Theo đánh giá của một giáo viên, lời lẽ trong câu chuyện rất phản cảm, gọi nhau bằng mày - tao, ý nghĩa thì chỉ dạy các cháu cách sống tiểu xảo. Chưa hết, sách còn có nhiều bài học mà trong câu chuyện lại ẩn hiện ý nghĩa "mớm" cho trẻ những thói xấu như tọc mạch, xu nịnh, nói dối, châm biếm người khác… Nhiều từ ngữ mang tính tiêu cực chứ không có ý nghĩa giáo dục.

Một giáo viên tại trường Tiểu học An Dương (TP Hải Phòng) phàn nàn có lần dạy đến câu "Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen", một học sinh đã hỏi cô "đánh ghen" là gì khiến cô giáo này lúng túng không biết phải giải thích thế nào cho các em học sinh lớp 1 hiểu.

Ngoài ra, trong quyển Tiếng Việt lớp 1- tập 2 có nhiều bài học ẩn hiện những thói hư tật xấu như tọc mạch, xu nịnh, nói dối, châm biếm, thậm chí là khôn ranh, ma mãnh. Trong bài học "Bé xách đỡ mẹ", thấy mẹ đi ì ạch vì mang nhiều túi, thay vì xách giúp mẹ, bé đã nảy ra ý tưởng cực "khôn khéo": "Có cách, mẹ ạ! Mẹ bế bé, bé xách hộ mẹ". 

Tuy là bộ sách giáo khoa được triển khai ở tỉnh, thành trên cả nước nhưng lại dùng quá nhiều từ địa phương như bể (biển), gà qué, quả chấp, bé huơ, khươ mũ. Một giáo viên phản ánh, trang 47, quyển 1 sách "Tiếng Việt - CNGD lớp 1" có bài "Nghỉ hè cả nhà đi bể".

Nhiều học sinh không biết đi bể là đi đâu vì trẻ em miền Nam chỉ biết đi biển. Bộ sách này cũng bị chính các giáo viên phản ánh là có nhiều từ láy khó với cả người lớn chứ đừng nói đến học sinh lớp 1 như thia lia, thìa lìa, chon chót, sứt sát, quằm quặp, khuýp khuỳm khuỵp… Câu thành ngữ, tục ngữ học sinh không hiểu mà chỉ học vẹt như "trăm thứ bà giằn", "bạt ngàn san dã", "đổ vỡ tóe loe"…

Chỉ là cách nghĩ áp đặt của người lớn

Trước phản ứng của nhiều phụ huynh, giáo viên, trao đổi với phóng viên VOV.VN, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại –tác giả của sách "Tiếng Việt - CNGD lớp 1"  cho biết, ông đã nhận được thông tin ý kiến của các phụ huynh, giáo viên phản ánh về một số bài học trong trong sách "Tiếng Việt - CNGD lớp 1" do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã không hiểu được ý nghĩa sâu xa của các bài học và đã đặt suy nghĩ cá nhân của mình về một số bài học nên mới có ý kiến như vậy.

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại

Là người giảng dạy theo sách công nghệ giáo dục, nhà giáo Trương Thị Cẩm Tú, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thực nghiệm, Hiệu trưởng trường tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội nhận định, sách "Tiếng Việt - CNGD lớp 1" có rất nhiều nội dung phong phú gắn với đời sống của nhân dân, truyền thống dân tộc như những câu chuyện dân gian, bài đồng giao, ca dao.

Trong sách cũng có cả những bài học về danh nhân thế giới. Những văn bản trong sách đáp ứng được thời lượng của một tiết học ở cấp Tiểu học.

Trong một bài học, có phụ huynh phản ánh như một em bé nhìn thấy mẹ đang xách nặng và đến khi mẹ muốn bé chia sẻ sự vất vả với mẹ thì em bé lại bảo mẹ bế con đi thì con xách. Phụ huynh cho rằng, câu chuyện đã giáo dục trẻ những điều kiện về sự “mặc cả” khi giúp đỡ mẹ mình.

Bài "Bé xách đỡ mẹ" cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều

Trước cách hiểu của phụ huynh như vậy, bà Cẩm Tú cho rằng, đứng ở góc độ học sinh thì đó là sự hóm hỉnh, ngây thơ của trẻ 5-6 tuổi khi biết vòi vĩnh mẹ bế mình để muốn giúp mẹ.

Còn cách nghĩ rằng, câu chuyện đã giáo dục trẻ những điều kiện về sự “mặc cả” khi giúp đỡ mẹ mình có thể là cách nghĩ “khó khăn” của người lớn. Nhiều phụ huynh đang áp đặt suy nghĩ của mình cho trẻ. Thực tế, suy nghĩ của trẻ em khác người lớn.

Đứng ở góc độ là một phụ huynh đang cho con học tại trường Tiểu học Thực nghiệm Hà Nội cho biết, thực tế, những thắc mắc của phụ huynh và giáo viên về một số bài học trong sách "Tiếng Việt - CNGD lớp 1" do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản đã được giải đáp, lý giải trong Tài liệu tập huấn giáo viên môn Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục và trong cuốn “Thiết kế Tiếng Việt 1” dành cho giáo viên.

Ví dụ như bài “Quả Bứa” dạy học sinh phải biết cách cư xử, nhường nhịn nhau. Nếu tranh giành nhau thì sẽ có kẻ thứ ba lợi dụng việc này. Cách nghĩ bài học chỉ dạy học sinh sống tiểu xảo của một số phụ huynh, giáo viên chỉ là suy nghĩ, suy diễn áp đặt của người lớn./.

Bích Lan/VOV.VN

 

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết