Yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin người nộp thuế: Tránh lạm quyền

14:30 12-09-2018 | :438

Laocaitv.vn - Trong nền kinh tế số, thông tin dữ liệu giao dịch tài khoản tại các ngân hàng là yếu tố quan trọng đối với cơ quan thuế trong việc chống thất thu NSNN.

Thất thu do không kiểm soát được luồng tiền

Hình thức kinh doanh trực tuyến qua các trang mạng xã hội hay trang web của các công ty nước ngoài như Facebook, Google, Youtube… đã xuất hiện và phát triển nhanh chóng trong vài năm nay gần đây tại Việt Nam.

Thực tế, ngày càng nhiều cá nhân có doanh thu từ các trang mạng xã hội với số tiền lên đến cả chục tỷ đồng/năm nhưng không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Đơn cử, gần đây, hai cá nhân ở TP.HCM và Quảng Nam đang bị cơ quan Thuế truy thu hàng tỷ đồng vì có các khoản thu từ Google, Facebook nhưng lại không kê khai nộp thuế. Tuy nhiên, đây không phải trường hợp cá biệt bởi tại Việt Nam hiện nay có không ít cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook không hề nhỏ nhưng lại “quên” kê khai nộp thuế.

Không kiểm soát được luồng tiền là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thất thu thuế (Ảnh minh họa: KT)

Lý giải tình trạng này, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, các Ngân hàng thương mại không có trách nhiệm phải cung cấp định kỳ thông tin về giao dịch của các cá nhân kinh doanh qua mạng. Do vậy, những cá nhân có thu nhập từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được phát hiện khi cơ quan Thuế yêu cầu các ngân hàng thực hiện biện pháp rà soát.

“Ở Việt Nam đang có khoảng trên 60 ngân hàng thương mại và có hàng triệu tài khoản ngân hàng. Thông tin về tài khoản là bảo mật của khách hàng. Các ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin trong trường hợp được cơ quan Thuế yêu cầu. Đây là khó khăn chính đối với việc quản lý thuế của những cá nhân kinh doanh qua mạng, nhất là khi những cá nhân này nhận tiền từ những trang web không phải của Việt Nam”, ông Huy chỉ rõ.

Có nên luật hóa cơ chế phối hợp để quản lý thuế?

Để khắc phục tình trạng thất thu ngân sách nhà nước (NSNN), tại khoản 2 Điều 27, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định, các ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản (theo định kỳ) của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.

Theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, pháp luật hiện nay cho phép doanh nghiệp có quyền mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Khi cơ quan thuế xử lý nợ thuế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp, thì không biết doanh nghiệp có tài khoản ở những ngân hàng nào.

Trong khi đó, qua khảo sát tại nhiều nước trên thế giới, các ngân hàng đều có sự phối hợp với cơ quan thuế. Do đó, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã đưa vào quy định các ngân hàng thương mại có sự phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế.

“Quy định này khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước châu Âu. Tại cơ quan thuế của Pháp, thông tin giao dịch của tất cả các doanh nghiệp tại các ngân hàng ở châu Âu đều được cung cấp cho cơ quan thuế, vì thế cơ quan thuế đều nắm được”, ông Tuấn cho hay.

Cũng tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), một nội dung mới so với trước đây, đó là quy định Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Cụ thể: phải xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử…

Tuy nhiên, trong bản góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) của Bộ Tài chính mới đây, VCCI cho rằng, dự thảo quy định ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin của khách hàng cho cơ quan thuế chưa bảo đảm tính minh bạch ở chỗ không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì. Nếu quy định mở như dự thảo luật thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế.

"Nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế", đơn vị này nhấn mạnh.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong một số trường hợp việc cung cấp thông tin của người nộp thuế để phục vụ, bảo đảm thực hiện trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp là hợp lý. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, phải quy định rõ việc cơ quan thuế được yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp ở mức độ nào, nếu không sẽ dẫn đến sự lạm quyền và làm lộ thông tin của khách hàng. Để tránh sự tùy tiện, trong các văn bản dưới luật nên quy định cụ thể những trường hợp phải cung cấp thông tin khi ngành thuế yêu cầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin, phối hợp để quản lý thuế là cần thiết, tuy nhiên, để tránh việc tùy tiện khi áp dụng luật, dự thảo luật cần xác định rõ phạm vi cung cấp thông tin phù hợp, trách nhiệm phối hợp của ngân hàng ở mức độ phù hợp hơn thay vì gắn toàn bộ trách nhiệm nặng nề cho ngân hàng./.

Cẩm Tú/VOV.VN

 

 

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết