Bảo tồn nét đẹp sinh hoạt cộng đồng tại chợ phiên vùng cao

16:58 21-11-2022 | :512

Laocaitv.vn - Chợ phiên là nét đặc trưng trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương. Không chỉ đơn thuần là địa điểm mua bán, đây còn là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, nơi hội tụ giá trị tinh thần mang đặc trưng của mỗi vùng miền. Lào Cai có nhiều chợ phiên nổi tiếng. Để giữ được những nét văn hóa truyền thống của các phiên chợ ấy trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại là vấn đề đang được nhiều địa phương, ban ngành quan tâm.

 

Những sản vật của núi rừng, nông sản do chính tay người nông dân trồng cấy được mang đến chợ phiên.

Trời vừa hửng sáng, từ các nẻo đường, bà con người Mông ở Tân Tiến, đồng bào Dao ở Xuân Hòa ngược lên, đồng bào Tày ở Vĩnh Yên, thương lái từ Hà Giang, Bắc Hà nô nức đổ về phiên chợ Nghĩa Đô. Những sản vật của núi rừng, nông sản do chính tay người nông dân trồng cấy được mang đến phiên chợ cuối tuần, với những nét văn hóa rất riêng.

Chợ phiên Nghĩa Đô mới có từ khoảng 30 năm nay. Những việc bán mua, nếp sinh hoạt cộng đồng trong phiên chợ cũng dần hình thành qua thời gian, qua nhiều biến chuyển của cuộc sống. Đến nay, phiên chợ đã mang những màu sắc tươi mới hơn, nhưng vẫn đậm đà bản sắc. "Trước kia là tự cung, tự cấp, người ta ngại bán mua. Mãi dần rồi mới thành quen, cả việc mặc trang phục địa phương ra chợ, lâu rồi mới hình thành được, giờ thì nó đã thành bản sắc", ông Ma Thanh Sợi, thôn Bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên chia sẻ.

Lào Cai có nhiều chợ phiên nổi tiếng. Không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn hàm chứa cả nét đẹp, đặc sắc riêng của từng dân tộc, trở thành điểm du lịch hút khách. "Khi xã được công nhận là điểm du lịch, chúng tôi cũng mở thêm chợ đêm, quy hoạch lại chợ phiên cho phù hợp với công năng sử dụng. Nhưng vẫn cần tính toán để giữ được nét bản sắc vốn có", ông Trần Cao Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên nói.

Chợ phiên không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, mà còn hàm chứa cả nét đẹp, đặc sắc riêng của từng dân tộc.

Xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số là việc làm cần thiết, nhằm giữ gìn và lan tỏa nét đẹp văn hóa độc đáo, tăng cường, quảng bá hình ảnh chợ phiên truyền thống gắn với phát triển du lịch, từ đó từng bước củng cố, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thu Hường – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết