Cần tăng cường quản lý chất lượng dược liệu

16:23 17-04-2019 | :695

Laocaitv.vn - Vì lợi nhuận nên thời gian qua, nhiều loại dược liệu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng được các đối tượng đưa vào thị trường, gây khó khăn trong kiểm soát của lực lượng chức năng. Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, qua công tác giám sát chất lượng thuốc trên thị trường, nhóm dược liệu và thuốc đông y là nhóm thuốc có tỷ lệ không đạt chuẩn chất lượng và thuốc giả cao nhất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nguồn dược liệu chủ yếu nhập lậu từ Trung Quốc hoặc cơ sở nhỏ lẻ tự phát không được kiểm soát chất lượng, nguồn gốc. Do vậy, thời gian qua, vấn đề an toàn dược liệu đã được các cơ sở khám chữa bệnh, chế biến dược phẩm cũng như các ngành chức năng của tỉnh Lào Cai quan tâm đẩy mạnh.

Bệnh viện YHCT tỉnh Lào Cai cơ sở vật chất đã xuống cấp, nhưng công suất giường bệnh luôn vượt trên 100%

Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Lào Cai, dù cơ sở vật chất còn khó khăn do xuống cấp, vậy nhưng công suất giường bệnh tại đây luôn vượt trên 100%. Ngoài các yếu tố về chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của đội ngũ thầy thuốc, các bệnh nhân đến đây luôn tin tưởng vào những bài thuốc y học cổ truyền. Khi được chuyển từ Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương đến đây, chân tay của ông Đào Ngọc Động ở thị trấn Mường Khương luôn trong tình trạng tê bì, thậm chí không thể bước đi, nhưng sau gần một tuần điều trị bằng thuốc đông y, và trị liệu theo phương pháp của y học cổ truyền, ông Động đã có thể tự vận động lên xuống cầu thang mà không cần người hỗ trợ. Ông Đào Ngọc Động, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương chia sẻ: "Được sự quan tâm của các y bác sĩ ở đây, được uống thuốc đông y và làm các thủ thuật, hôm nay bệnh của tôi đã giảm hẳn, chân đã bước đi được rồi, hôm trước còn không bước được".

Bệnh viện YHCT tỉnh Lào Cai luôn được người bệnh tin tưởng vì năng lực chẩn trị và sử dụng nguồn dược liệu an toàn

Không chỉ ông Động mà rất nhiều người bệnh, đặc biệt là những người ở nhóm cao tuổi, thường mắc các bệnh liên quan đến xương khớp, thần kinh hay đường hô hấp... đã lựa chọn phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền để điều trị bệnh bởi phù hợp với tình trạng sức khỏe người bệnh và khả năng phục hồi ngay trong quá trình điều trị. Một trong những mấu chốt đem lại thành công của phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền đó chính là năng lực chẩn trị và sử dụng được những nguồn dược liệu an toàn, chất lượng. Xác định được như vậy nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh luôn song hành nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ thầy thuốc với đảm bảo mọi nguồn dược liệu sử dụng luôn có nguồn gốc an toàn. Tính riêng trong năm 2018 đơn vị này đã phải chi tới trên 2,5 tỷ đồng cho mua dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền để điều trị cho người bệnh và con số này còn lớn hơn nếu tính trên tổng số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Cũng trong năm 2018, có tới 223.244 lượt bệnh nhân, chiếm khoảng 15% tổng lượt bệnh nhân lựa chọn khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Ông Phạm Bá Tuyên, Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi luôn nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là an toàn của người sử dụng thuốc, hiện thuốc điều trị tại bệnh viên được nhập từ 3 nguồn đó là vị thuốc y học cổ truyền, thuốc y học cổ truyền và thuốc từ dược liệu, tất cả thuốc sử dụng tại bệnh viện đều được đấu thầu tập trung tại Sở Y tế tỉnh nên rất đảm bảo vè tiêu chuẩn, chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ và an toàn khi sử dụng". 

Sử dụng nguồn thuốc an toàn không chỉ nâng cao uy tín của bản thân mà còn là trách nhiệm với cộng đồng và xã hội

Còn tại Phòng chẩn trị y học cổ truyền Phạm Trọng Hùng ở đường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, Lương y Phạm Trọng Hùng đã có nhiều năm gắn bó và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Vì là chữa bệnh bằng thuốc đông y nên các bài thuốc, vị thuốc được ông sử dụng đều có nguồn gốc từ dược liệu với ông, sử dụng thuốc có nguồn gốc, thuốc an toàn không chỉ giúp nâng cao uy tín của bản thân mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Lương y Phạm Trọng Hùng chia sẻ: "Với những người làm nghề lâu năm như chúng tôi thì thường có vùng nguyên liệu riêng hoặc nhập qua công ty được các cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo chất lượng đầu vào của thuốc, khi mua về rồi mới chế biến, chúng tôi luôn luôn tìm nguyên liệu sạch và chuẩn để tạo uy tín cho cửa hàng".

Thuốc cổ truyền là thuốc có thành phần dược liệu được chế biến, bào chế hoặc phối ngũ theo lý luận và phương pháp của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian thành chế phẩm có dạng bào chế truyền thống hoặc hiện đại. Cũng chính bởi vậy mà không chỉ các cơ sở y tế khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền mà cả những đơn vị được phép sản xuất thuốc chữa bệnh cho người cũng đặc biệt chú trọng đến nguồn nguyên liệu đầu vào là dược liệu. Tại tỉnh Lào Cai, tính tới tháng 2 năm 2019, Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa là doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và Giấy chứng nhận đạt nguyên tắc thực hành tốt sản xuất thuốc có phạm vi sơ chế, chế biến dược liệu và được Sở Y tế tỉnh Lào Cai cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược với phạm vi bán buôn dược liệu. Đây không chỉ là lợi thế cho đơn vị trong quá trình xúc tiến thương mại mà còn khẳng định những nỗ lực không ngừng của đơn vị trong quá trình xây dựng các vùng dược liệu an toàn, đảm bảo những yêu cầu khắt khe nhất về sản xuất nguyên liệu cho chế biến dược phẩm. 

Dây chuyền chế biến dược liệu của Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa 

Trên thực tế thời gian qua cho thấy, cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc, thậm chí là mất mạng vì sử dụng thuốc đông y trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Nguyên nhân là bởi những loại thuốc này được bào chế từ các loại dược liệu không an toàn, trong khi người bệnh không được thăm khám trực tiếp để có chẩn đoán chính xác. Dù ở Lào Cai chưa có những biểu hiện phức tạp như vậy song nguy cơ rất lớn bởi là địa bàn giáp với biên giới. Do vậy, việc tăng cường kiểm soát đối với mặt hàng này trên địa bàn cần được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, không chỉ ổn định thị trường mà quan trọng hơn đó là bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho người tiêu dùng. Bà Trần Thị Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở kinh doanh và các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt các quy định của nhà nước. Bên cạnh đó, chúng tôi đã giúp đỡ các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực dược liệu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các cơ sở chẩn trị và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cương quyết là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm".

Cùng với tăng cường các giải pháp để kiểm soát tốt thị trường dược liệu, các cấp các ngành chức năng của tỉnh Lào Cai cũng cần quan tâm nhiều hơn tới việc xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng dược liệu đặc hữu theo quy trình an toàn để phục vụ cho chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đồng thời tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định, giúp nhân dân trên địa bàn giảm nghèo một cách bền vững.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết