Laocaitv.vn - Theo các doanh nghiệp ngành dệt may, đã có nhiều khách hàng Trung Quốc đến tìm hiểu đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, để chọn nhà máy Việt Nam xuất khẩu hàng sang Mỹ, họ còn căn cứ nhiều yếu tố, tiêu chuẩn đặt trong tương quan so sánh với hàng dệt may của các nước trong khu vực như: Myanmar, Indonesia, Bangladesh…
Cơ hội có, nhưng nắm bắt không dễ
Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 10 tháng đầu năm ước đạt 25,15 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam (chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Kydo Việt Nam (KCN Phố Nối A, Hưng Yên).
Thực tế từ đầu năm, ngành Dệt may Việt Nam khá thuận lợi khi có nhiều đơn hàng mới từ các thị trường khó tính như Mỹ và EU. Phần lớn doanh nghiệp (DN) đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm nay. Mấy tháng gần đây, diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, đã tạo cơ hội tốt cho các DN Việt Nam gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ.
Bộ Công Thương nhận định, một phần thời cơ đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi nhiều đơn hàng xuất vào Mỹ đã rời Trung Quốc chuyển qua Việt Nam. Còn theo các chuyên gia, ngành Dệt may của Việt Nam là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhờ 2 khía cạnh: Đồng nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD, qua đó cũng mất giá so với đồng Việt Nam, giúp các DN nhập được vải, các nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc với giá rẻ hơn và ngành Dệt may Việt Nam có thể chiếm thêm thị phần của Trung Quốc tại thị trường Hoa Kỳ nhờ mức giá cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, thực tế không hẳn chỉ có thuận lợi. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Lương Văn Thư, Tổng giám đốc Tổng Công ty May Đáp Cầu (Bắc Ninh) chuyên xuất khẩu hàng sang Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu cho biết: Tình hình sản xuất 10 tháng đầu năm của công ty tương đối tốt, tuy nhiên trong 2 tháng cuối năm, số đơn hàng lại có dấu hiệu kém đi.
“Khách hàng từ Trung Quốc sang công ty làm việc, chủ yếu chỉ tham quan, trao đổi, mà chưa chốt đơn hàng. Các đối tác khác thì đang thăm dò, đặt những đơn hàng nhỏ lẻ, ngắn hạn, giá giảm. Tuy nhiên, cả năm thì công ty vẫn có thể đạt kế hoạch”, ông Lương Văn Thư cho hay.
Lý giải điều này, đại diện DN cho biết, các đối tác lo lắng nguyên liệu đặt từ Trung Quốc sẽ tăng giá do bị Mỹ đánh thuế, do vậy họ khá thận trọng. Trong khi đó, Việt Nam muốn đón được cơ hội từ dòng chuyển dịch đầu tư thì phải cạnh tranh được với các đối thủ khác trong khu vực như: Indonesia, Cambodia, Myanmar… nơi có giá lao động rẻ hơn Việt Nam.
Ngay cả những công ty đang đặt trụ sở tại Trung Quốc cũng cân nhắc kỹ trước khi chọn rời bỏ thị trường này. “Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ 17% trên mỗi đồng xuất khẩu cho DN. Do vậy, họ sẽ tính toán, nếu sang Việt Nam đầu tư mà lợi nhuận tương đương với sản xuất tại Trung Quốc thì họ mới lựa chọn”, ông Thư phân tích.
Phụ thuộc nguyên liệu, khó đón thời cơ
Theo đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong số hàng hóa mà Trung Quốc bị Mỹ áp thuế, chủ yếu là các mã hàng sợi dệt chứ chưa có hàng may mặc. Hàng sợi dệt chưa phải thế mạnh của Việt Nam nên sẽ khó tận dụng cơ hội này để vào Trung Quốc. Do đó, để DN Việt Nam hưởng lợi thực sự thì phải chờ đợi thêm việc áp thuế lên hàng may mặc Trung Quốc.
Dù những tháng cuối năm gặp khó khăn, Tổng Công ty May Đáp Cầu phấn đấu đạt chỉ tiêu kinh doanh của cả năm.
Tuy nhiên, hiện vẫn có khoảng 20 mặt hàng dệt may Việt Nam có thể có cơ hội chiếm thị phần tại Mỹ, tập trung vào các loại thảm, sợi PE đơn độ co giãn cao, xơ viscose rayon, vải dệt kim, vải canvas...
Được biết, sản phẩm vải sợi có xuất xứ từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị áp thuế tới 25% từ đầu năm 2019. Theo ông Nguyễn Hồng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, không loại trừ khả năng các nhà sản xuất nước ngoài, trong đó phần nhiều là các DN Trung Quốc, sẽ thiết lập chuỗi sản xuất từ sợi - vải - may mặc tại Việt Nam, để tránh ảnh hưởng từ đòn trừng phạt thương mại của Mỹ.
Trong trường hợp này, các DN nội địa Việt Nam không được hưởng lợi nhiều, bởi hầu hết các DN trong nước chỉ có thế mạnh và kinh nghiệm về khâu may. Hiện nguồn nguyên liệu phục vụ ngành dệt may Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu, một phần lớn nhập từ Trung Quốc.
Theo ông Lương Văn Thư, DN đã chủ động nhập các nguồn nguyên liệu từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… để đáp ứng yêu cầu của khách, tránh rủi ro từ nguồn nguyên liệu Trung Quốc.
Cẩn trọng hơn, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sợi Thế Kỷ phân tích: Có rủi ro nếu phía Mỹ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm may mặc nhập khẩu từ các quốc gia khác và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm may mặc từ quốc gia đó có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hàng may mặc Việt Nam sẽ là đối tượng vào tầm ngắm kiểm soát nhiều nhất vì Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc. Vì vậy, các DN Việt Nam cần chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc.
Theo Báo Tin tức
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết