Đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao Lào Cai đón mừng Quốc khánh

16:43 02-09-2019 | :656

Laocaitv.vn - Cách đây 74 năm, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và như thông lệ, cứ vào dịp ngày hội non sông, cùng với người dân cả nước, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao Lào Cai lại tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, mừng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Trẻ em được mặc những bộ quần áo truyền thống ngày Tết Độc lập.

Những năm gần đây, cứ vào mỗi dịp Quốc khánh, gia đình anh Sần Hờ Lù ở thôn Choản Thèn, xã Y Tý lại sôi động hơn hẳn ngày thường. Những bộ quần áo truyền thống mới nhất, đẹp nhất được các thành viên trong gia đình đem ra mặc. Với đồng bào thì đây không chỉ là ngày Tết Độc lập mà còn là ngày của sự đoàn viên. Anh em, họ hàng cùng tụ họp, chuẩn bị bữa cơm thịnh soạn, cùng trò chuyện, chia sẻ về sự đổi thay của quê hương. Anh Sần Hờ Lù, thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát chia sẻ: “Hôm nay, nhà tôi cũng như cả dân tộc Hà Nhì các anh em đều tụ tập đông đủ để thể hiện sự biết ơn với Đảng và Nhà nước đã cho đồng bào cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

Ngày 2/9 dần trở thành tết của người Hà Nhì.

Không chỉ tại từng gia đình, vào ngày Quốc khánh, chính quyền các cấp huyện Bát Xát cũng tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi cho đồng bào. Lễ hội mùa thu “Sức hút đại ngàn”, với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, không chỉ tạo không khí vui tươi, mà cũng là dịp để thu hút khách du lịch đến với vùng cao Y Tý. Qua đó quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương và nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con. Anh Lý Giá Sơ, thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát bày tỏ: “Đồng bào Hà Nhì có rất nhiều ngày lễ tết. Một vài năm trở lại đây thì ngày 2/9 cũng dần trở thành tết của người Hà Nhì, cùng hòa chung không khí với các dân tộc khác”.

Truyền dạy tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Với người Giáy ở xã Quang Kim thì những ngày này, bên cạnh các sinh hoạt văn hóa thì đây cũng là dịp để người già trong làng có thể truyền lại những tinh hoa truyền thống của dân tộc mình cho con cháu. Giúp các em thêm tự hào về dân tộc mình, lưu giữ truyền thống của quê hương, đất nước. Bà Hoàng Thị Mẩy, xã Quang Kim, huyện Bát Xát cho biết: “Cứ vào ngày 2/9 hàng năm thì nhà tôi lại tụ họp đông đủ con cháu, cả nhà sẽ cùng nhau gói bánh chưng, bánh dày truyền thống của người Giáy. Qua những dịp nghỉ lễ tình cảm gia đình càng thêm gắn bó, các cháu nhỏ cũng có cơ hội học hỏi và giữ gìn truyền thống dân tộc”.

Văn nghệ thể hiện niềm vui ngày Quốc khánh.

Mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có cách thể hiện niềm vui khác nhau trong ngày Quốc khánh. Nhưng điểm chung là đều nhằm thể hiện tinh thần yêu nước, lòng biết ơn đối với Đảng, với Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Vinh Quang – Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết