Laocaitv.vn - Một vài năm gần đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại vùng cao Lào Cai tuy có giảm trên quy mô toàn tỉnh, nhưng vẫn còn diễn ra ở không ít địa bàn vùng sâu, vùng xa. Hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Hệ lụy ấy là đói nghèo, là bệnh tật, là những ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai.
Thôn nghèo Láo Lý.
Ngày mới trên những nếp nhà ở thung lũng Láo Lý, thành phố Lào Cai. Ngồi bên bếp lửa, chị Châu Thị Hoàn nhớ lại quãng khoảng thời gian tuổi trẻ của mình, được đi chơi đây đó, giờ đây chị cũng chỉ vừa bước sang tuổi 27, nhưng tuổi trẻ đã không còn. Chị Hoàn lấy chồng sớm, chồng chị là Dương Văn Cường, con trai của chị ruột mẹ mình. Chị Hoàn chia sẻ: "Mẹ mình bảo không được lấy chồng ở xa, có lấy thì lấy ở đây thôi".
Chị Châu Thị Hoàn.
Ở Láo Lý, có không ít các cặp vợ chồng có mối quan hệ họ hàng, thân tộc như thế, chỉ cần khác họ là người ta có thể lấy nhau. Người Xa Phó quan niệm lấy chồng, lấy vợ trong họ tộc thì tài sản sẽ không thất thoát ra ngoài họ được. Họ hàng kết hôn với nhau sẽ được gia đình hai bên yêu thương, đùm bọc… Bao lâu nay, quan niệm rất đơn giản ấy vẫn được người dân Láo Lý chấp nhận như một điều hiển nhiên. Vậy nhưng, những hậu quả của suy nghĩ đó, của những cuộc hôn nhân cận huyết thống đã từng diễn ra ở đây, đã đến mức đáng báo động. Cả một thôn không thành lập được Chi hội người cao tuổi, bởi hiện chỉ có 01 người bước qua được tuổi 60. Suốt 10 năm qua, cũng chỉ có duy nhất 01 thanh niên đủ chiều cao, cân nặng để trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Những đứa trẻ trong thôn còi cọc, chậm phát triển về nhận thức, đau ốm liên miên. Đó là những câu chuyện đang diễn ra tại Láo Lý ngày hôm nay. Láo Lý trở thành nỗi ám ảnh đối với những người từng đặt chân đến đây, những ánh mắt đờ đẫn, những khuôn mặt khắc khổ, già nua dù họ đang trong độ tuổi sung mãn nhất. Và hệ lụy kéo theo là đói nghèo và lạc hậu, cái nghèo kinh niên bám riết lấy người Xa Phó. Ông Phạm Huy Cảm đã có nhiều năm dạy học ở Láo Lý, hiểu rõ phong tục tập quán của người địa phương và nguyên nhân sâu xa của vấn nạn hôn nhân cận huyết. Chia tay với bảng đen, phấn trắng, ông Cảm được Đảng ủy xã tăng cường về làm Bí thư chi bộ thôn Láo Lý. Và ông chưa hết ám ảnh, day dứt về những đứa trẻ Xa Phó hầu như không có tương lai. Ông Cảm chia sẻ: "Thôn có 72 hộ, nếu không giao lưu với thôn khác, dân tộc khác, thì kiểu gì cũng sẽ lại hôn nhân cận huyết thống. Vì vậy phải có tuyên truyền phù hợp, có giải pháp trực quan để người dân hiểu, thì mới giảm được".
Những đứa trẻ trong thôn còi cọc, chậm phát triển về nhận thức, đau ốm liên miên.
Vài năm trở lại đây, tại Láo Lý không diễn ra tình trạng hôn nhân cận huyết. Vây nhưng, những hệ lụy của nó vẫn còn âm ỉ, nhức nhối cho tới tận bây giờ. Láo Lý sẽ đi về đâu, nếu những hủ tục và hậu quả của nó vẫn đè nặng lên cuộc sống, lên tương lai của nhiều thế hệ?. Năm 2018, một giải pháp đã được thành phố Lào Cai ban hành, huy động sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền, của tất cả các ban ngành, đoàn thể để cải tạo hủ tục, nâng cao đời sống, văn hóa tại Láo Lý. Nội dung này sẽ được Laocaitv.vn đăng tải. Mời độc giả đón xem./.
Thu Hường – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết