Khó khăn trong giải quyết việc làm cho người dân vùng giải phóng mặt bằng

09:24 04-09-2019 | :941

Laocaitv.vn - Thời gian qua với sự đô thị hóa mạnh mẽ, thành phố Lào Cai là một trong những địa phương thu hồi diện tích đất rất lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển. Cùng với quá trình thu hồi đất, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh và thành phố đã, đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giải bài toán việc làm, trong đó trọng tâm là hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo nhu cầu thực tế, bảo đảm cuộc sống cho người dân bị mất đất sản xuất, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn gặp một số khó khăn.

Hiện phường Xuân Tăng có 25,5% tổng số lao động trong độ tuổi chưa có việc làm. 

Khu tái định cư thuộc tổ 5, phường Xuân Tăng, những ngôi nhà phố thị được xây dựng khang trang thay cho những thửa ruộng, vườn rau trước đây, vậy nhưng đằng sau đó là không ít khó khăn, trăn trở của người dân do thiếu việc làm ổn định. Bà Phan Thị Hảo, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 2, phường Xuân Tăng, TP Lào Cai chia sẻ: "Hiện chi hội chúng tôi có khoảng 5 - 6 nhóm hộ gia đình làm các dịch vụ cưới hỏi, thu hút được chị em đi làm nhưng cũng chỉ theo thời vụ thôi, tập trung vào mùa xuân, mùa thu. Còn lại các tháng mùa đông, mùa hè thì không có việc làm, các chị em phải đi làm thuê, ai thuê gì thì làm cái ấy, không ổn định". 

Theo lãnh đạo phường Xuân Tăng, thời gian qua, công tác tạo việc làm, đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân vùng giải phóng mặt bằng luôn là nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hàng đầu. Địa phương đã tăng cường mối liên kết chặt chẽ với các trung tâm đào tạo, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Từ năm 2015 đến nay, toàn phường đã có 240 lao động được đào tạo nghề, đạt 140% kế hoạch, vậy nhưng, vấn đề giải quyết việc làm sau học nghề còn nhiều khó khăn. Hiện toàn phường có 275 lao động chưa có việc làm, chiếm 25,5% tổng số lao động trong độ tuổi. 

 Thời gian tới TP Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề để thay đổi nhận thức của người dân.

Trong 5 năm qua, trên địa bàn thành phố Lào Cai có 50 dự án giải phóng mặt bằng, liên quan đến gần 4.000 hộ dân, trên 15.600 nhân khẩu, trong đó trên 11.700 nhân khẩu trong độ tuổi lao động, gần 4.500 nhân khẩu trong độ tuổi lao động thuộc vùng nông thôn. Với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động thuộc diện giải phóng mặt bằng của thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó đã thực hiện hàng trăm cuộc tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động tại các thôn bản và học sinh các trường trung học sơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Đến nay đã có 8.400 lao động được đào tạo nghề từ sơ cấp đến trung cấp, trong đó 1.400 lao động nông thôn, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt mức cao. Ông Hoàng Văn Phiên, Phó trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Lào Cai cho biết: "Nguyên nhân khó khăn trong công tác tuyển sinh và việc làm sau đào tạo của người lao động trong vùng giải phóng mặt bằng là: Độ tuổi, trình độ, tâm lý ngại học; hỗ trợ chuyển đổi việc làm thì các hộ thường chọn phương án là nhận tiền hỗ trợ theo quy định và họ tự lo việc làm là chính; các doanh nghiệp phát triển, nhưng chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ".

Nhằm giải quyết tốt hơn nữa vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động tại các vùng giải phóng mặt bằng, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm sâu rộng, làm thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của nghề nghiệp, việc làm; tập trung chỉ đạo tốt công tác khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động tại các công ty doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để gắn với nhu cầu học nghề của người lao động, từ đó định hướng các nghề cho phù hợp giữa người lao động và thị trường lao động; tập trung thực hiện tốt việc dạy nghề ngắn hạn, trong đó quan tâm đẩy mạnh đào tào nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp, phù hợp với độ tuổi, trình độ, điều kiện cụ thể của từng lao động; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trung tâm dạy nghề và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện ở cơ sở… Bên cạnh những giải pháp tích cực của các cấp, các ngành, thì một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là sự chủ động tích cực của người dân trong việc lựa chọn nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm để có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.

Thế Văn - Quang Ánh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết