Khó khăn trong việc tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

16:27 12-04-2019 | :1036

Laocaitv.vn - Với tiềm năng về khí hậu và thổ nhưỡng, tỉnh Lào Cai được kỳ vọng có những bước phát triển dài gắn với nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh Lào Cai hiện được đưa vào danh sách địa phương nằm trong quy hoạch khu, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia. Để tạo dựng được nền móng vững chắc cho những dự án nông nghiệp công nghệ cao, tích tụ và tập trung ruộng đất là hướng đi được chính quyền Lào Cai quan tâm và có nhiều chính sách khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên, quá trình này đang diễn ra khá chậm do giữa doanh nghiệp và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung, cùng với đó là chính sách pháp luật về đất đai chưa phù hợp với thực tiễn.

Hợp tác xã Trọng Tín đóng chân trên địa bàn xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai, là một trong số ít các đơn vị đầu tư bài bản cho nông nghiệp công nghệ cao. Hiện hợp tác xã này đã gây dựng được mô hình trồng cây măng tây với diện tích hơn 0,6 ha, cây dưa lưới hơn 0,3 ha và 5 ha rau bản địa. Ông Lã Minh Quang, Giám đốc Hợp tác xã Trọng Tín chia sẻ: "Đầu tư cho sản xuất nông nghiệp đã khó, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn gấp bội. Bên cạnh yếu tố vốn đầu tư bỏ ra lớn thì việc tìm địa điểm, đàm phán với các hộ dân cho thuê đất là công việc hết sức khó khăn, mặc dù đã được chính quyền xã Đồng Tuyển hết sức giúp đỡ, tạo điều kiện nhưng đến nay, hợp tác xã vẫn chưa thuê được đất của người dân, toàn bộ diện tích đang đầu tư sản xuất đều là đất dự phòng 5% của xã".

Hợp tác xã Trọng Tín là một trong số ít đơn vị đầu tư bài bản cho nông nghiệp công nghệ cao ở Đồng Tuyển

(Ảnh: Cao Bá Quý)

Dẫn chứng cho những khó khăn của đơn vị, ông Quang cho biết phải đến xã Tả Phời, thành phố Lào Cai để đàm phán thuê đất của người dân trồng cây măng tây, song, hợp tác xã mới chỉ thuê được gần 1 ha đất của 2 hộ dân. Về kế hoạch sản xuất trong tương lai, Hợp tác xã Trọng Tín dự định thuê thêm từ 2 đến 3 ha đất để mở rộng sản xuất, song để đạt được mục tiêu này, con đường trải qua chắc chắn sẽ có không ít khó khăn.

Có một nghịch lý là trong khi các doanh nghiệp cần đất để đầu tư dự án nông nghiệp thì nông dân có ruộng lại không mặn mà với sản xuất, thậm chí nhiều nơi bỏ ruộng hoang. Bên cạnh đó, tâm lý chung của nông dân là muốn giữ đất để khi có quy hoạch thực hiện các dự án hoặc công trình công cộng sẽ được đền bù, hỗ trợ chuyển đổi nghề và tránh được mối lo biến dạng ruộng đất, mất đất sau khi giao cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn cả, đó chính là tư duy giữ đất làm của để dành, tài sản sẵn có cho con cháu đời sau. Chính điều này đã gây nên nhiều rào cản trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ông Lý Quẩy Vạn, người dân xã Tả Phời cho biết: "Nếu doanh nghiệp thuê đất trong 5 năm hoặc 10 năm thì gia đình tôi đồng ý, nhưng nếu thuê với thời hạn từ 20 năm đến 30 năm thì sẽ gặp khó khăn trong thu hồi đất. Hơn nữa, sau khi cho doanh nghiệp thuê đất, gia đình tôi cũng chưa biết chuyển đổi sang nghề gì để làm kế sinh nhai".

Tích tụ, tập trung ruộng đất là biện pháp cần thiết để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp (Ảnh: Cao Bá Quý)

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thành phố Lào Cai, từ năm 2016 đến nay, mới chỉ có gần 10 ha đất được tích tụ, tập trung và cho 3 doanh nghiệp thuê lại để đầu tư sản xuất công nghệ cao. Con số này phần nào phản ánh thực trạng tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của địa phương. Ông Đoàn Đức Luyện, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: "Đa phần các doanh nghiệp đều muốn thuê đất với thời gian dài để đầu tư sản xuất lớn, tuy nhiên, hiện tại thời gian thuê mới chỉ dừng ở mức dài nhất là đến 5 năm nên nhiều doanh nghiệp, đơn vị không mấy mặn mà đầu tư, bởi chưa nói đến việc có thể thu hồi vốn, riêng thời gian cho việc đầu tư bài bản các hệ thống phụ trợ như đường xá, hệ thống điện, nước cũng đã phải mất một vài năm. Lào Cai có địa hình chủ yếu là đồi núi, chia cắt mạnh, diện tích sản xuất thường manh mún, nhỏ lẻ, mặt khác, chính sách giao đất trước đây theo phương thức chia bình quân, một gia đình có nhiều thửa đất nhưng phân tán ở nhiều nơi nên khó khăn cho đầu tư sản xuất quy mô tập trung, đặc biệt là sản xuất ứng dụng công nghệ cao, cánh đồng mẫu lớn".

Tích tụ, tập trung ruộng đất là biện pháp cần thiết để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nhưng tích tụ, tập trung ruộng đất ra sao, thực hiện như thế nào và đảm bảo lợi ích cao nhất của người dân đang là câu hỏi cần được các cấp, ngành, các địa phương cùng bàn thảo và có giải pháp tháo gỡ khó khăn này.

Thế Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết