Laocaitv.vn - Từ một loài cây sinh trưởng trong tự nhiên, vài năm gần đây, huyện Văn Bàn đã quy hoạch và đưa cây măng sặt vào trồng để trở thành sản phẩm hàng hóa, mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Laocaitv.vn - Từ một loài cây sinh trưởng trong tự nhiên, vài năm gần đây, huyện Văn Bàn đã quy hoạch và đưa cây măng sặt vào trồng để trở thành sản phẩm hàng hóa, mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Từ vài chục gốc ban đầu, đến nay, diện tích trồng măng của gia đình bà Phùng Thị Thơm ở thôn Làng Nòm, xã Hoà Mạc, huyện Văn Bàn đã phát triển lên hơn 1 ha. Bà Thơm cho biết, trồng măng không mất nhiều công chăm sóc, ít bị sâu bệnh, mỗi vụ, gia đình bà hái được gần 3 tấn măng tươi, mang về nguồn thu gần 40 triệu đồng.
"Đầu mùa, măng chưa bóc vỏ thì được 60.000 đồng/kg, sau này măng mọc nhiều thì 50.000, 40.000 đồng/kg. Bây giờ đang giữa mùa, măng mọc nhiều quá thì giá giảm xuống 15.000 đồng/kg chưa bóc vỏ, còn bóc vỏ là 35.000 đồng/kg. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con", bà Thơm chia sẻ thêm.
Trồng măng sặt không tốn công nhưng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình bà Thơm.
Từ hiệu quả kinh tế cây măng sặt mang lại, cấp ủy, chính quyền xã Hòa Mạc đã vận động Nhân dân trồng măng trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả. Đến nay, địa phương có khoảng 80 ha măng sặt đang cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn cho biết: "Theo định hướng của xã cũng như chỉ đạo của huyện, xã tiếp tục huy động Nhân dân phát triển diện tích măng sặt để nâng cao thu nhập cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo".
Huyện Văn Bàn quy hoạch và đưa cây măng sặt vào trồng để trở thành sản phẩm hàng hóa, mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Huyện Văn Bàn hiện có hơn 500 ha măng sặt đang cho thu hoạch. Thời điểm đầu mùa, măng sặt tươi có giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg. Quá trình triển khai các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Văn Bàn đã quy hoạch vùng trồng tại các xã phía Tây - nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp; đồng thời chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Bà Lương Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Văn Bàn cho biết thêm: "Huyện Văn Bàn đã phối hợp với chương trình dự án GREAT 2 của tỉnh tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm măng sặt đã được hợp tác xã và công ty trên địa bàn thu mua từ người dân và các tổ hợp tác đưa về nhà xưởng sơ chế. Toàn bộ sản phẩm được cung cấp cho Công ty măng Kim Bôi".
Măng sặt giờ đã trở thành sản phẩm nông sản nổi tiếng của huyện Văn Bàn, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, gia tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương
Ngọc Minh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết