Mô hình "Lương thực cho em"

15:29 22-02-2023 | :250

Laocaitv.vn - Cùng với sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, ngành Giáo dục và các nhà trường cũng đã có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong việc khắc phục khó khăn để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mô hình "Lương thực cho em" mà Trường Tiểu học và THCS Bản Xèo, huyện Bát Xát triển khai 2 năm nay là một ví dụ tiêu biểu.

Nhờ có kho gạo của các nhà hảo tâm ủng hộ nên những bữa cơm của học sinh Trường Tiểu học và THCS Bản Xèo được đảm bảo.

Đây là kho gạo mà các mạnh thường quân ủng hộ cho bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học và THCS Bản Xèo. Nhờ có kho gạo này, bữa ăn của học sinh thêm đủ đầy. Các nhân viên cấp dưỡng cũng không phải đau đầu tính toán chia khẩu phần bữa ăn như trước. Chị Vàng Thị Tuyến, nhân viên cấp dưỡng Trường THCS Bản Xèo, huyện Bát Xát cho biết: "Các nhà hảo tâm ủng hộ đủ gạo cho học sinh ăn, ngoài ra còn có cả bình lọc nước cho các em uống và bàn ghế phục vụ cho bữa ăn mỗi ngày".

Gạo đã được hỗ trợ một phần, thức ăn chủ yếu sử dụng từ kinh phí hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết 09. Còn những luống rau xanh này - thành quả lao động của chính học sinh bán trú sẽ cung cấp rau sạch cho bữa ăn mỗi ngày. Em Lò Thanh Bình, học sinh Trường Tiểu học và THCS Bản Xèo, huyện Bát Xát cho biết: "Chúng em được ăn ngon, lại còn tham gia trồng rau để cải thiện nữa. Chiều thì sẽ được tham gia thể thao".

Em Sùng A Gùa, học sinh Trường Tiểu học và THCS Bản Xèo, huyện Bát Xát cho biết: "Chúng em được ở bán trú, không phải đi về xa, nên em cũng có thời gian để lo cho việc học nhiều hơn".

Ngoài giờ học các em học sinh tăng gia sản suất để cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Mô hình "Lương thực cho em" được Trường Tiểu học và THCS Bản Xèo duy trì được 2 năm học, tức là ngay sau khi có những thay đổi về chính sách theo quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai ban đầu cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, mô hình đã giúp cho hoạt động bán trú cũng như các hoạt động giáo dục khác của nhà trường tương đối ổn định suốt 2 năm qua. Thầy giáo Trần Văn Toàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Bản Xèo, huyện Bát Xát cho biết: "Nhờ duy trì được mô hình này mà tỷ lệ chuyên cần của chúng tôi được nâng cao, chất lượng giáo dục của nhà trường cũng được nâng lên.Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động xã hội hóa để lan tỏa mô hình tới từng phụ huynh học sinh để nâng cao nhận thức cho Nhân dân".

Tổng hợp từ ngành Giáo dục, trong năm 2022, đã có trên 5 tỷ 800 triệu đồng được xã hội hóa để cho mô hình trường bán trú dân nuôi và Lương thực cho em. Từ nguồn kinh phí này, đã có hàng chục nghìn học sinh ở xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có được điều kiện học tập thuận lợi hơn, được ở bán trú, được chăm sóc về sức khoẻ, bữa ăn đủ dinh dưỡng. Mô hình cũng khẳng định thêm mối quan hệ gắn kết giữa gia đình - nhà trường - xã hội, chăm lo nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người.

Thu Hường – Lương Mạnh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết