Môn thể dục cũng có SGK: Cần thiết hay lãng phí vô bổ?

15:59 15-10-2019 | :1251

Laocaitv.vn - Theo Bộ GD-ĐT, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Giáo dục thể chất hay còn gọi là môn Thể dục cũng sẽ có SGK cho học sinh.

Thông tin về SGK môn Thể dục hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Thầy Nguyễn Minh Tiến, giáo viên Thể dục bậc Tiểu học tại Hà Nội cho rằng, từ nhiều năm nay, nhiều người vẫn quan niệm, môn Thể dục là môn học cũng được, không học cũng không sao. Tuy nhiên, ở các nước khác trên thế giới, đây lại là môn học được đánh giá cao, giúp học sinh rèn luyện thể chất, tăng cường sức khỏe, bổ trợ cho các môn học khác. Bởi vậy, thầy Tiến cho rằng, giống như các môn văn hóa khác, thể dục cũng cần được đầu tư chương trình giảng dạy, SGK, đặc biệt là với học sinh tiểu học nếu có các hình ảnh minh họa, hướng dẫn sẽ giúp các em nhớ các động tác tốt hơn.

Việc có SGK Thể dục đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giáo viên và chuyên gia giáo dục. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, thầy Nguyễn Thái Anh, giáo viên dạy thể dục tại một trường THPT ở Hải Dương lại cho rằng việc ban hành SGK cho môn này không thực sự cần thiết. “Chúng tôi vẫn có thể hướng dẫn và các em học sinh vẫn học được mà không cần SGK. Môn này chủ yếu là các hoạt động thực hành, lý thuyết rất ít, nên việc có sách và những tiết học như các môn khác là không cần thiết. Hiện nay nhiều trường vì cơ sở vật chất có hạn, học sinh còn chưa có các nhà tập đa năng đạt chuẩn, việc tiếp cận với những môn thể thao như bơi lội tại các vùng nông thôn còn hạn chế. Tôi cho rằng thay vì đầu tư vào SGK, thì nên đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn cho môn học này, để các em cảm thấy thực sự hứng thú khi học và được phát triển bản thân toàn diện nhất”.

Nhiều nước phát triển cũng chưa từng có SGK Thể dục

Dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, bản chất môn Thể dục là thực hành, SGK thiên về lý thuyết, nếu học bằng SGK sẽ không hiệu quả. “Tôi từng tìm trong các tủ sách của Singapore, Đức, Hungary cũng chưa từng thấy cuốn SGK môn Thể dục cho học sinh tại các nước này, mà chỉ có tài liệu dành cho giáo viên”.

TS Hương cho rằng, muốn nâng cao chất lượng môn thể dục, cần có những quy định rõ ràng về kiểm tra đánh giá, thay vì cách đánh giá đạt hay không đạt theo cảm quan như hiện nay.

Còn theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền, người có nhiều năm nghiên cứu và làm việc tại Australia, việc ban hành SGK môn Thể dục thể hiện “truyền thống" của nền giáo dục Việt Nam luôn coi SGK là kim chỉ nam cho mọi hoạt động giảng dạy. Điều này khác biệt hoàn toàn so với các quốc gia có nền giáo dục phát triển. “Chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi sự sợ hãi của một nền giáo dục nếu không có bảo bối là SGK. Dường như không có SGK, Bộ GD sẽ không biết quản lý chất lượng giáo viên như thế nào và giáo viên cũng không biết sẽ dạy học sinh cái gì. Việc ra đời SGK của bộ môn Thể dục có lẽ xuất phát từ nỗi sợ hãi mơ hồ đó”.

Chuyên gia giáo dục này cho hay, ở Australia, môn Thể dục đúng là môn giáo dục sức khỏe thể chất và phát triển cá nhân. Môn học này không chỉ đơn thuần là dạy học sinh các động tác nhảy cao, nhảy xa, vươn vai hít vào thở ra mà bao hàm cả dạy kiến thức căn bản về sức khỏe cá nhân, về vai trò và tầm quan trọng của thể dục thể thao về giữ gìn sức khỏe bản thân.

Chương trình này là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9. Tuy nhiên, không có bất kỳ cuốn SGK nào vì hầu hết các tài liệu giảng dạy ở nhà trường đều do giáo viên tự biên soạn theo chương trình khung chung và được thống nhất bởi hội đồng trường cho phù hợp với từng đặc điểm, nền tảng và năng lực của học sinh của lớp mình. Từ lớp 10 trở lên thì môn này trở thành môn thể thao tự chọn dành cho các học sinh có năng khiếu và đam mê thể thao theo học chứ không bắt buộc.

Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, tại Việt Nam, từ lâu môn Thể dục vẫn được xem là môn phụ, thậm chí học sinh cảm thấy ngán ngẩm vì không thấy tác dụng thực tế.

“Muốn biết sức khỏe của một dân tộc thì chỉ cần nhìn vào thể lực của tầng lớp trẻ của quốc gia đó. Nếu tầng lớp trẻ suy nhược về thể chất hèn kém về trí tuệ thì đất nước sao có thể phát triển. Vai trò của giáo dục thể chất quan trọng là như vậy nhưng trong thực tế với nền giáo dục trọng thi cử đã khiến cho các thế hệ học sinh chăm chăm vào nhồi nhét kiến thức mà coi nhẹ các môn khác.

Một nền giáo dục toàn diện là phải phát triển toàn diện cá nhân của học sinh bao gồm Đức, Trí, Thể, Mỹ. Chứ chăm chăm vào nhồi nhét kiến thức mà không bồi dưỡng tâm hồn và thể chất thì chỉ sinh ra một thế hệ suy nhược về thể chất và bạc nhược về tinh thần. Tuy nhiên, để giúp phát triển giáo dục thể chất trong nhà trường phổ thông thì việc soạn SGK cho bộ môn này không phải là giải pháp hiệu quả vì thực tế nếu nội dung giảng dạy bộ môn này như hiện nay có sách thì chỉ càng làm tốn kém thêm chi phí cho phụ huynh và ngân sách quốc gia”, ông Hiền nhấn mạnh.

Chuyên gia giáo dục này cho rằng, để nâng cao hiệu quả của môn Thể dục, trước tiên cần thay đổi nhận thức trong toàn ngành giáo dục, của chính giáo viên và học sinh về ý nghĩa, vai trò của môn Thể dục. Bên cạnh đó, cũng cần phong phú hóa nội dung giảng dạy và hướng đến các hoạt động giáo dục thiết thực gắn với nhu cầu phát triển thể chất từng giai đoạn của học sinh./.

Nguyễn Trang/VOV.VN


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết