Nâng cao thu nhập từ nghề thêu, may trang phục dân tộc

20:57 11-09-2023 | :314

Laocaitv.vn - Được gìn giữ qua nhiều thế hệ, thêu, may trang phục dân tộc là nghề truyền thống mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát. Đặc biệt, việc cải tiến quy trình, áp dụng kỹ thuật vào thêu, may giúp tiết kiệm công sức, gia tăng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Máy thêu hoa văn thổ cẩm tự động được gia đình chị Hạng Thị Ké đầu tư, hoạt động rất hiệu quả.

Năm 2019, chị Hạng Thị Ké đầu tư dàn máy thêu hoa văn thổ cẩm tự động. Có máy móc hỗ trợ, việc thêu, may trang phục trở lên dễ dàng hơn. Thay vì chỉ làm được 2 - 3 bộ quần áo như trước, thì nay 1 năm chị Ké có thể làm và xuất bán ra thị trường từ 450 - 500 bộ quần áo. Chị Hạng Thị Ké, thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát cho biết: “ Trước mọi thứ mình đều phải làm thủ công, ngoài se lanh, dệt vải, nhuộm chàm thì thêu hoa văn là lâu nhất. Giờ có máy móc hỗ trợ rồi thì làm 1 bộ quần áo cũng nhanh hơn, 1 ngày có thể may xong 1 - 2 bộ”.

Được học cách cắt, may trang phục, năm 2018, chị Thào Thị Là bắt tay vào sản xuất trang phục dân tộc với số lượng lớn. Vào dịp cuối năm, nhu cầu thị trường cao, chị Là phải tuyển thêm khoảng 7 - 10 lao động về phụ việc. Chị Thào Thị Là, thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát cho biết: “Làm may như thế này nhàn hơn làm đồng áng, buổi tối chị em cũng có thể tranh thủ làm được mà thu nhập lại cao hơn. Ngoài thu nhập cho gia đình thì chị em đến đây làm cũng được 200.000 đồng/ngày công”.

 Chị Thào Thị Là (phải ảnh) có thu nhập ổn định từ nghề thêu may trang phục thổ cẩm.

Sàng Ma Sáo hiện có 20 hội viên, phụ nữ tham gia mô hình thêu, may trang phục dân tộc. Ngoài bán ở chợ phiên, sản phẩm của các chị còn được tiểu thương thu mua tại nhà với giá khá cao. Quần áo người lớn từ 1,5 - 2 triệu đồng/bộ. Quần áo trẻ em từ 450.000 - 500.000 đồng/bộ, đem lại nguồn thu nhập khá. Ông Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát cho biết: “Thêu, may thổ cẩm những năm gần đây việc duy trì được chị em quan tâm, tự mua máy về làm ở nhà, rất khá giả. Giáp Tết thì họ bán sản phẩm rất tốt, giúp xóa đói giảm nghèo tốt, giảm chi phí gia đình, phục vụ con cái đi học”.

Cho thu nhập ổn định, thêu, may trang phục truyền thống đang được kỳ vọng trở thành nghề bền vững. Giải quyết việc làm, hạn chế tình trạng hội viên, phụ nữ phải đi làm ăn xa. Góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội tại xã vùng cao Sàng Ma Sáo./.

Vân Anh – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết