Nông dân Bát Xát mở rộng diện tích trồng cây dược liệu

10:06 17-04-2019 | :2264

Laocaitv.vn - Huyện Bát Xát có điều kiện khí hậu nhiệt đới và bán ôn đới với độ ẩm cao, diện tích rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh chiếm 80% tổng diện tích rừng toàn huyện với thảm thực vật đa dạng, phong phú, đây là điều kiện để địa phương phát triển các loại dược liệu. Trong mục tiêu phát triển kinh tế nông lâm nghiệp những năm gần đây, các thôn bản vùng cao đã phát triển cây dược liệu trên diện tích khá lớn, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân.

4 năm trước, những thửa ruộng bậc thang ở thôn Lao Chải chỉ để cấy lúa, nhưng nay bà con đã chuyển sang trồng cây đương quy. Thôn Lao Chải (xã Trịnh Tường, Bát Xát) giáp với xã Ý Tý nên nhiều nông dân như chị Chu Seo Gụ đã học cách trồng cây đương quy thay thế cây lúa trên đất ruộng một vụ. Cách làm này đánh dấu sự thay đổi lớn trong tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân, nông dân đã biết lựa chọn cây trồng cho giá trị kinh tế cao. "Mấy năm nay trồng cây đương quy cho thu nhập gấp mấy lần trồng lúa. Nhờ vậy, gia đình có thêm tiền mua gạo và nhiều vật dụng khác”, chị Gụ chia sẻ.  

Cây đương quy được trồng thay thế cho cây lúa tại những thửa ruộng bậc thang ở thôn Lao Chải.

Phát huy lợi thế đặc thù, thôn vùng cao Lao Chải đã mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, tập trung vào cây đương quy, xuyên khung và hoàng sin cô. Thôn có 64 hộ dân thì có đến gần một nửa số hộ đã chuyển diện tích ruộng một vụ sang trồng cây dược liệu. Mặc dù đã chủ động chuyển đổi nhưng để phát triển bền vững, nông dân cần thiết phải ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp và thực hiện trồng dược liệu an toàn để gia tăng giá trị. Ông Ly Giờ Có, Trưởng thôn Lao Chải cho biết: "Người dân muốn tham gia trồng cây dược liệu, nhưng giá cả lại bấp bênh không được ổn định. Bà con rất mong có công ty đứng ra thu mua để giúp giá cả ổn định hơn".

Qua điều tra của cơ quan chuyên môn huyện Bát Xát, hiện trên địa bàn toàn huyện có hơn 1.000 loài dược liệu, trong đó có 357 loài được sử dụng làm thuốc. Thực tế, các mô hình trồng cây dược liệu đang cho tín hiệu tích cực như cây sa nhân tím, đương quy, gừng, chè dây. Tập trung phát triển dược liệu đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp tại huyện Bát Xát, tạo ra các sản phẩm đặc trưng và phát huy được thế mạnh của địa phương.

Theo ông Lý Việt Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bát Xát thì: "Cần phải hướng dẫn bà con thâm canh tăng vụ trên cùng một diện tích đất canh tác để tăng năng xuất cây trồng, bên cạnh đó là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm".

Huyện Bát Xát đang chỉ đạo rà soát, tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất dược liệu tại 14 xã trọng điểm trên địa bàn. Tiến hành tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng nguyên liệu nhằm gắn sản xuất với thị trường, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng đến mục tiêu mở rộng diện tích trồng dược liệu lên 500ha vào năm 2020.

Ngọc Hà – Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết