Nông nghiệp Lào Cai có bước tiến vượt bậc

08:39 04-09-2019 | :1602

Laocaitv.vn - Nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng để xây dựng các ngành kinh tế khác. Sau 4 năm, chỉ tiêu về thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích canh tác đã hoàn thành kế hoạch đề ra với trên 75 triệu đồng. Quan trọng nhất là giúp nông dân Lào Cai vươn lên làm giàu bền vững trên chính ruộng đất của mình.

Thực hiện mục tiêu đạt trên 75 triệu đồng mỗi ha canh tác, Lào Cai đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án, với những cách làm sáng tạo, tạo ra nhiều mô hình, cách làm kinh tế hiệu quả. Bằng nguồn lực địa phương cùng với nguồn hỗ trợ từ Trung ương, từ năm 2015 đến nay, Lào Cai đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư cho khu vực nông thôn như đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao dân trí. Trong đó, có đến hơn 2.800 tỷ đồng đầu tư trực tiếp cho lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ông Nguyễn Duy Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai cho biết: "Lào Cai là một trong những tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp hàng đầu cả nước. Với chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp cho bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện cả về cơ sở hạ tầng, sản xuất và an ninh chính trị...; về chương trình giảm nghèo bền vững đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm. Chương trình của Nhà nước đã dồn từ 60% đến 65% nguồn lực để đầu tư cho khu vực nông thôn".

Lào Cai quan tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại đem lại năng suất cao.

Nếu như năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, thu nhập trên mỗi ha canh tác mới đạt 45,6 triệu đồng thì 4 năm sau (năm 2019), số thu nhập đã đạt đến 75 triệu đồng mỗi ha canh tác. Cũng là tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc, số thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích canh tác của Lào Cai thực sự nổi bật, ấn tượng. Trong cùng một điều kiện ở khu vực vùng cao Tây Bắc, năm 2018, tỉnh Hà Giang đạt thu nhập bình quân là 44 triệu đồng trên mỗi ha diện tích đất canh tác, con số này đối với Yên Bái là 59 triệu đồng, Điện Biên là 37 triệu đồng hay như Lai Châu chỉ là 45 triệu đồng.

Dựa vào thế mạnh từng vùng, từng địa phương, tỉnh Lào Cai đã có sự chỉ đạo quyết liệt, cùng các tổ chức đoàn thể vào cuộc và sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn đã tạo nên sự thay đổi căn bản trong tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại bị đẩy lùi mà thay vào đó là tâm thế giám nghĩ, giám làm và mạnh dạn của mỗi người nông dân. Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc HTX nông nghiệp Trịnh Tường, huyện Bát Xát chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi chỉ có một tổ nhóm trồng thử nghiệm rau ôn đới, rau trái vụ, sau khi có hiệu quả nhất định, chúng tôi đã thành lập HTX. Trong tương lai HTX  sẽ mở rộng diện tích canh tác. Tuy nhiên, bà con vùng cao cần có thời gian để thích nghi với các điều kiện, tập quán canh tác mới... Vì vậy, HTX đang rất nỗ lực hướng dẫn cho người dân địa phương thực hiện đúng kỹ thuật".

 Nông nghiệp Lào Cai đang có bước chuyển mạnh mẽ về chất khi giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi.

Mục tiêu đạt trên 75 triệu đồng mỗi ha canh tác cũng là một trong 10 chỉ tiêu của đề án số 1 – Đề án tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 – 2020. Thời điểm hiện tại, 10 mục tiêu đã cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân đạt 6,05%, cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch hợp lý với việc giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Nếu như năm 2015, tỷ trọng ngành trồng trọt là 58,2% thì hiện đã giảm xuống còn 56,84% và chăn nuôi từ 40,9% tăng lên 42,1%, chứng tỏ nông nghiệp Lào Cai đang có bước chuyển mạnh mẽ về chất.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: "Cần tập trung triển khai tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từ đó tập trung nguồn lực, tổ chức vận động, phát triển các sản phẩm, ngành hàng theo kế hoạch đã đặt ra. Các nhân tố ngay từ cơ sở của bà con nông dân, của HTX, nông dân nòng cốt, lãnh đạo cấp ủy chính quyền các địa phương triển khai, tổ chức quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Đảm bảo tăng vụ trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật và đặc biệt là tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi. Đây là những vấn đề cần quyết liệt thực hiện".

Đề án số 1 – Đề án về tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, giai đoạn 2015 – 2020 được thực hiện đã mở ra cơ hội mới, vận hội mới cho nông dân Lào Cai, hướng đến một nền nông nghiệp đạt các tiêu chí an toàn, trong đó, người nông dân phải cải thiện về thu nhập, tiến đến xây dựng nền nông nghiệp thực sự bền vững.

Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết