Thôn Báu – Vào mùa quả ngọt

13:19 06-08-2019 | :686

Laocaitv.vn - Hơn nửa tháng nay, ở thôn Báu, một vùng quê ven sông Hồng của xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng lúc nào cũng có người vào ra tấp nập. Trên những cánh đồng, tràn bãi ven sông, cây dưa lê, cây na, 02 loại cây trồng chủ lực của địa phương đang vào vụ thu hoạch. Mỗi ngày, bà con trong thôn thường trực trên đồng, thu hái quả cho thương lái vào mua hàng, kịp xuất bán đi khắp các thị trường trong tỉnh Lào Cai. Năm nay, cả quả dưa lê và quả na đều được giá, mang đến cho bà con nông dân thôn Báu một mùa quả ngọt ngào.

Cây dưa lê, cây na là 02 loại cây trồng chủ lực của thôn Báu đang vào vụ thu hoạch. (Ảnh: An Hồng)

77 tuổi, nhưng dáng người săn chắc, đi đứng nhanh nhẹn, bà Vũ Thị Nội, một nông dân ở thôn Báu cười giòn tan khi nói chuyện với chúng tôi. Bà Nội chia sẻ: "Bà con chúng tôi bảo nhau không gọi là thôn Báu nữa cô ạ, có lẽ đổi tên thành thôn Dưa, hay thôn Na thôi, cho nó tiện". Lý giải cho ý tưởng của mình, bà Nội chia sẻ tiếp: "Tại vì trước đây bà con chưa biết đổi mới để bỏ cây lúa đi, nhưng bây giờ bỏ cây lúa đi để trồng màu, 01 năm 03 – 04 vụ. Đấy, nay mai lại cả làng trồng đậu béo, dưa lê hết 03 vụ thì lại qua sang trồng đậu béo. Tôi cứ nghĩ thế nào thì tôi nói thế thôi".

Theo những người dân ở đây, nếu không trồng cây ăn quả, chỉ thuần cấy mỗi năm 02 vụ lúa, chẳng biết tới bao giờ, thôn Báu mới được nhiều thương lái tìm đến tận nơi như vậy, khi vùng quê này đã từng là địa bàn khá heo hút, hết sức khó khăn bởi nằm cách xa tuyến đường Quốc lộ 70 cả chục cây số, đất đai để cấy lúa nước cũng không nhiều. Ý tưởng đưa cây dưa lê vào trồng trên đất ruộng của bà con nông dân thôn Báu bắt đầu cách đây khoảng 03 - 04 năm. Một phần là do được vận động tuyên truyền, nên bà con nông dân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh, của huyện và của xã. Phần lớn hơn, là do sự năng động, cần cù chịu khó tính toán làm ăn của hơn 113 hộ dân thôn Báu, vốn đa phần xuất xứ từ những làng quê thuần nông như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng lên. Ban đầu, cũng như nhiều loại cây trồng khác, việc trồng dưa lê ở thôn Báu cũng chỉ có chừng chục hộ dân thực hiện trồng thử. Vừa trồng, vừa chăm sóc, vừa nghe ngóng thị thường, những lứa dưa lê đầu tiên cho thu hoạch, đem lại sự bất ngờ bởi chất lượng quả ngọt và năng suất rất cao. Chưa có thị trường, người dân thôn Báu sau khi thu hoạch lại tự mình sáng sớm thồ dưa cùng những sản phẩm nông sản khác lên tận chợ đầu mối của thành phố Lào Cai đổ bán. 01 vụ, rồi 02 vụ, quả dưa lê ở Thôn Báu được thị trường chấp nhận, vậy là hộ trước, hộ sau, cả thôn Báu có tổng cộng 16 ha ruộng cấy lúa, nay đã có 14 ha chuyển sang trồng dưa lê. Là một trong những hộ sau cùng chuyển đổi diện tích đất ruộng trồng lúa, sang trồng dưa lê, bà Bùi Thị Thoa, nông dân thôn Báu khẳng định: "Nhà tôi mới trồng vụ đầu tiên, chứ mọi người trong thôn đã trồng 03 năm nay rồi. Trồng dưa hiệu quả hơn trồng lúa, nếu như mà trồng lúa, cánh đồng này của nhà tôi vụ chiêm thu được 01 tấn, vụ mùa thì được 05 tạ thôi, nhưng mà trồng dưa, thì mới thu hoạch 01 đợt đã được 04 triệu đồng rồi, bằng 05 tạ thóc. 03 sào ruộng trồng dưa, tính đến hết vụ này thì được khoảng 8 triệu/01 sào".

Trước khi cây dưa lê bén đất, cho mùa quả ngọt ngào, thì thôn Báu, cũng được mệnh danh là thủ phủ đất na của xã Thái Niên với hàng chục ha cây na dai và na bở, được bà con trồng dọc khắp các khu vườn, bãi soi dọc tuyến đường sắt ven sông Hồng. Quả Na thôn Báu, xã Thái Niên có tiếng, được người tiêu dùng trên thị trường Lào Cai biết đến, mỗi khi vào vụ là thương lái lũ lượt tìm về. Năm nay, cây na được giá, quả to, đẹp, giá bán tại vườn đã 40 nghìn đồng/kg. Bình quân, mỗi sào na (khoảng 30 cây) cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Thế nhưng, cái hay của thôn Báu là ở chỗ, bà con biết tận dụng những vạt đất trống dưới gốc na, trồng xen canh cà pháo, đinh lăng và 01 số loại cây rau màu khác để tăng thêm thu nhập. Chẳng hạn như 01 sào na, trồng xen canh dưới gốc là cây cà pháo (thời gian thu hoạch quả khoảng 7 tháng) bà con sẽ có thêm thu nhập 05 triệu đồng. Tính toán làm ăn chi li vậy, nên ở thôn Báu, những hộ nông dân có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm không ít. Theo ông Phạm Văn Hòa, Bí thư Chi bộ thôn Báu thì từ khi chuyển đổi cây lúa sang trồng chuyên canh cây ăn quả và rau màu các loại, bà con ở đây đã thực hiện rất tốt tiêu chí nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Minh chứng rõ rệt là năm 2018, mỗi hộ dân trong thôn mới đạt thu nhập bình quân 30.600 nghìn đồng/người/tháng, thì 6 tháng đầu năm 2019 này đã tăng lên 36.200 nghìn đồng/người/tháng. Ông Phạm Văn Hòa, Bí thư Chi bộ thôn Báu cho biết cụ thể: "Bà con quay vòng đất là 04 trong 01, tức là 03 vụ dưa lê cộng thêm 01 vụ đỗ béo, thì thêm 01 vụ dưa lê nữa. Hiện nay, cây dưa đang thu hoạch là dưa vụ 02 vụ, còn những ruộng đang ươm ngọn là dưa vụ 03. Dưa vụ 03 thu hoạch xong là hết tháng 7 âm lịch thì đầu tháng 8, người dân tiếp tục gieo đỗ cô ve. Chúng tôi tăng thu nhập là ở chỗ đấy".

Trong thời gian tới bà con thôn Báu mong muốn có sự trợ giúp từ các cơ quan chuyên môn để xây dựng vùng cây trái, rau màu chuyên canh. (Ảnh: An Hồng)

Hiện nay, thôn Báu có tổng cộng 12 ha na, 15 ha dưa lê và 25 ha chuyên canh rau màu các loại. Theo số liệu được ghi chép tỷ mỉ trong cuốn sổ làm việc của Bí thư Chi bộ Phạm Văn Hòa, thì 6 tháng đầu năm, các sản phẩm hàng hóa nông sản được xuất bán đã mang lại cho thôn Báu tổng thu nhập trên 13 tỷ đồng.

Vui với những mùa quả ngọt, thế nhưng, những cán bộ thôn cùng người dân thôn Báu hiện rất băn khoăn, bởi tuy đã là vùng chuyên canh cây ăn quả và cây rau màu, thế nhưng thực tế, các sản phẩm hoa quả của thôn Báu đều chưa có thương hiệu. Để giữ uy tín với người tiêu dùng, thôn đã chủ động tuyên truyền, vận động và bà con nông dân cũng tự nâng cao nhận thức, chú trọng sản xuất an toàn, nhất là đối với cây dưa lê, chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ  sâu bệnh khi cây mới ra hoa, kết trái và tuyệt đối không sử dụng khi quả bắt đầu lên nước để đảm bảo an toàn nông sản, tránh ngộ độc thực phẩm .

Trong những dự định, toan tính xây dựng vùng cây trái, rau màu chuyên canh của mình, người dân thôn Báu đều mong muốn: Trong thời gian sớm nhất, bà con sẽ được sự giúp sức của ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương để thành lập những mô hình, tổ nhóm liên kết đồng sở thích, tổ chức hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và giúp đỡ xây dựng thượng hiệu cho vùng cây ăn trái của thôn. Đó chính là những giải pháp phù hợp nhất, để vùng cây trái của thôn Báu mỗi năm đều mang đến những mùa quả ngọt ngào./.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết