Thủy điện - vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp

17:18 17-04-2019 | :1791

Laocaitv.vn - Kết thúc năm 2018, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã được đánh giá là điểm sáng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018, Lào Cai đã đạt trên 29 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2017 và vượt 5,5% so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt trong tổng số 29 nghìn tỷ đồng có tới gần 6 nghìn tỷ đóng góp từ hoạt động ở lĩnh vực thủy điện, chiếm tới 1/5 giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Năm 2019, năm tăng tốc về đích các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV đã đề ra, nhiệm vụ đảm bảo tiến độ các dự án thủy điện tiếp tục được tỉnh Lào Cai quan tâm đặc biệt.

 Năm 2018 lĩnh vực thủy điện chiếm 1/5 giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 130 bậc thủy điện với tổng công suất khoảng 1.620,35 MW, trong đó 82 dự án thủy điện đã được phê duyệt vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh với tổng công suất 1.227,05 MW, trong tổng số 82 dự án có 49 dự án đã hoàn thành với tổng công suất lắp máy 855,9 MW; 14 dự án đã tổ chức thi công với tổng công suất lắp máy 126,85 MW, 13 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất lắp máy 146,8 MW; còn 6 dự án đang khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi với tổng công suất lắp máy 61,5 MW. Ngoài những dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành sản xuất điện, còn hầu hết các dự án đang được triển khai đều chậm tiến độ, thậm chí rất chậm so với kế hoạch đề ra.

Dự án thuỷ điện Suối Chăn 1, dự án có công suất lắp máy là 27 MW, dự kiến sản lượng điện bình quân đạt sấp sỉ 102 triệu KWH. Tổng số vốn đầu tư của dự án khoảng 938 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển năng lượng PDCI làm chủ đầu tư. Nhà máy thủy điện suối Chăn 1 được khởi công từ tháng 9 năm 2015, để đưa tổ máy số 1 phát điện vào tháng 9 năm 2019 theo kế hoạch để ra, chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với đơn vị bảo lãnh tài chính khẩn trương có các giải pháp, đôn đốc nhà thầu tập kết đầy đủ thiết bị theo cam kết, đồng thời huy động tối đa thiết bị, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục của dự án. Mặc dù chủ đầu tư rất quyết tâm, song khả năng chậm tiến độ là không thể tránh khỏi, bởi thực tế trước đó đơn vị đã mất khá nhiều thời gian trong quá trình lựa chọn công nghệ và nhà thầu thiết bị. Cùng với đó là liên tiếp những khó khăn bởi thiên tai, lũ lụt trong thời gian dự án được triển khai. Một số luật liên quan đến hoạt động quy hoạch và triển khai quy hoạch xây dựng các nhà máy thủy điện đã có hiệu lực, nhưng đến nay vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện, khiến nguy cơ chậm trễ là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó chưa có văn bản hướng dẫn đồng nghĩa với việc vẫn phải chờ đợi, các nhà thầu sẽ còn phải mất thêm thời gian để chủ đầu tư hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, vấn đề luôn hết sức khó khăn cần nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để thực hiện trên mỗi công trình dự án. Ông Hoàng Bá Tấn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Kế hoạch, Công ty CP đầu tư XD và phát triển năng lượng PDCI: Cũng là do ảnh hưởng rừng tự nhiên nên việc đi đường điện không theo thiết kế ban đầu, vì vậy buộc phải điều chỉnh, mà khi điều chỉnh thì mất thời gian, sau khi xong bước đó thì gửi đi cho các cơ quan cấp bộ, ngành phê duyệt, đến nay vẫn chưa được phể duyệt xong, vì vậy việc chậm tiến độ là sẽ xảy ra".

 

Bản chất sản phẩm của các nhà máy thủy điện chính là nguồn năng lượng cung cấp cho mọi hoạt động của đời sống và đó cũng chính là một trong những nguồn nguyên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất công nghiệp. Với tiềm năng to lớn và ý nghĩa quan trọng của các nhà máy thủy điện nên tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng hành cùng các chủ đầu tư cũng như các nhà thầu trong quá trình triển khai các dự án thủy điện. Từ việc tiết giảm thời gian hoàn thiện các thủ tục hồ sơ, cơ quan quản lý trực tiếp là Sở Công Thương còn chủ động nắm bắt thực trạng, tham mưu để tỉnh Lào Cai có những kiến nghị với các bộ, ngành của trung ương, đồng thời có những chỉ đạo về các cơ chế, chính sách cũng như tháo gỡ những khó khăn trong thẩm quyền, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai các dự án xây dựng nhà máy thủy điện. Ông Phan Văn Cương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết: "Các dự án thủy điện thì thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, dân trí không đồng đều, nên việc vận động nhân dân trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng là gặp khó khăn, chậm. Ngoài ra còn nhiều những yếu tố không thuận lợi trong quá trình thực hiện thì Sở Công thương đã chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp, phối hợp với các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng, cấp đất... để các dự án thủy điện thuận lợi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện".

Tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng hành cùng chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình triển khai các dự án thủy điện

Ngoài các dự án đã tổ chức thi công, được cấp chủ trương đầu tư, kể cả các dự án đang khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thì UBND tỉnh Lào Cai đã cho phép các nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu tiềm năng thủy điện và lập hồ sơ bổ sung 48 dự án xây dựng nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp máy khoảng 405,3 MW vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai. Quyết định này một lần nữa khẳng định, tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực sản xuất này, bởi đây chính là một trong những lĩnh vực sản xuất công nghiệp mang lại nhiều lợi ích, có tính bền vững cao, và ít ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trong năm 2019 này, cho dù sẽ có không ít những dự án thủy điện đang được triển khai xây dựng không kịp về đích theo đúng hoạch định, song sự nỗ lực của các chủ đầu tư, các nhà doanh nghiệp cũng như các cấp, các ngành của tỉnh trong việc phối hợp cùng thào gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai các dự án thủy điện cũng đáng được ghi nhận. Đó chính là những đóng góp quan trọng để tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp bền vững của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết