Laocaitv.vn - Với hơn 40 ha được trồng thử nghiệm từ năm 2017 tại hai huyện Mường Khương và Bắc Hà, hiện diện tích cây hồi phát triển tốt, đã cho quả. Ngoài tác dụng phòng hộ, tăng độ che phủ rừng, thì hoa hồi hiện được nhiều doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu, mở ra cơ hội phát triển ngành hàng hồi, nâng cao thu nhập cho người dân tại địa bàn vùng cao.
Gia đình anh Ma Seo Chúng là một trong những hộ tiên phong trồng cây hồi ở thôn Bản Phố, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương với 0,7 ha. Sau 6 năm, hiện cây đã phát triển tốt và cho thu hoạch quả. Theo anh Chúng, tuy năng suất hồi chưa cao, nhưng cũng mở ra nhiều triển vọng cho bà con nơi đây. "Trồng cây hồi sau này bảo vệ được cho rừng tự nhiên và tạo thu nhập cho bà con", anh Ma Seo Chúng cho biết.
Cây hồi với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, không cần bón phân và thích nghi tốt với đất đai cằn cỗi. Đây cũng là loại cây được bà con lựa chọn để thay thế hoặc trồng xen kẽ trên những diện tích cây trồng kém hiệu quả.
Ông Đặng Thừa Vảng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà cho biết: "Trồng xen canh giữa quế với hồi thì sẽ lấy cây quế để nuôi cây hồi. Khi cây quế phát triển đến lúc thu hoạch, cũng là thời điểm cây hồi chuẩn bị ra hoa, thì thu hoạch quế lấy vốn, để lại cây hồi để giữ đất, giữ rừng. Xã Nậm Đét cũng có hướng sau này trồng cây dược liệu dưới tán hồi".
Cây hồi thích nghi tốt với đất đai cằn cỗi, được bà con lựa chọn để thay thế cây trồng kém hiệu quả.
Lào Cai hiện có 57 ha cây hồi, tập trung tại các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát và Văn Bàn. Về tiềm năng đất đai, theo số liệu diễn biến rừng năm 2023, tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp chưa sử dụng trên địa bàn là hơn 47.000 ha; tại các huyện vùng cao có hơn 50.000 ha đất đang canh tác cây ngô và cây hàng năm khác, có thể trồng xen canh hoặc chuyển sang trồng cây hồi.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "Chúng tôi đang kiến nghị với Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao cho các ngành chức năng, các địa phương xây dựng quy hoạch, đề án để phát triển ngành hàng hồi cho các khu vực vùng cao. Hiện, vùng thấp đã có cây quế; còn vùng cao, qua quá trình khảo nghiệm nhiều năm thì nhận thấy cây hồi có thể phù hợp để phát triển thành ngành hàng và đem lại thu nhập cho người dân".
Hoa hồi sẽ được thu mua để xuất khẩu, mở ra cơ hội phát triển, nâng cao thu nhập cho người trồng.
Để phát triển cây hồi trở thành một ngành hàng, ngoài việc quan tâm đầu ra, ngành nông nghiệp, các địa phương cần lựa chọn giống, có quy trình chăm sóc, thâm canh, thu hái phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng, đem lại nguồn thu ổn định cho người dân vùng cao.
Quang Ánh - Tùng Lâm
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết