Độc đáo câu chuyện gói bánh chưng ở Trường Sa

19:28 03-02-2019 | :1421

Laocaitv.vn - Đã là người Việt Nam, dù đi đâu, ở đâu thì tết cổ truyền không thể thiếu chiếc bánh chưng, bánh tét. Ở nơi hải đảo xa xôi, mỗi khi tết đến, xuân về, quân và dân ở Trường Sa lại quây quần, mỗi người một việc để có những chiếc bánh chưng cúng bàn thờ Tổ quốc và gia tiên. Tuy nhiên, để có một chiếc bánh chưng ở Trường Sa là cả một câu chuyện dài đầy sáng tạo của người lính hải quân.

Quân và dân cùng quây quần gói bánh chưng tết

Cùng đoàn công tác đi trên chuyến tàu KN491 đưa quàtết ra các đảo: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, An Bang, Đá Lát, Đá Tây và Thuyền Trài, chúng tôi cảm nhận được không khí háo hức, nhộn nhịp, khẩn trương và tình cảm hướng về những người đang thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Cũng như ở đất liền, cứ mỗi độ xuân về, cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Trường Sa lại gói bánh chưng đón tết, nguyên liệu gói bánh sẽ là lá bàng vuông. Ở Trường Sa ngoài nắng, gió, sóng những thứ có nhiều nhất là cây bàng vuông, cây phong ba. Lá bàng vuông xanh, to như lá dong, sau khi rửa sạch, chúng nằm gọn trong khuân bánh, thêm thịt mỡ, đậu đỗ, gạo nếp là các chiến sĩ có nồi bánh trưng đặc chưng ở vùng biển Trường Sa.

Ngoài lá dong, lá bàng vuông được người lính đảo dùng để gói bánh chưng

Bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông mang một hương vị rất khác

Dù là đầy đủ nguyên vật liệu, nhưng bánh chưng ở Trường Sa vẫn có những nét khác biệt với bánh chưng trong đất liền. Vì bánh chưng ở đây được gói bằng lá bàng vuông mang hương vị vừa độc, vừa lạ, thấm đẫm vị mặn mòi, nắng gió của biển cả Trường Sa. Gọi là “bàng vuông” vì loại cây này có quả to hơn quả bàng thường, có góc cạnh, hình khối vuông. Hoa bàng vuông nở quanh năm, nhưng thường nở vào ban đêm và rộ nhất là vào mùa xuân. Hoa bàng vuông được ví là “hoàng hậu” của các loài hoa trên đảo, cùng với các loại cây như phong ba, bão táp, cây tra... cây bàng vuông cũng được xem như biểu tượng kiên trung, mạnh mẽ của người lính nơi đầu sóng ngọn gió tiền tiêu của Tổ quốc. Thượng tá Lê Song Toàn, Phó cụm trưởng cụm chiến đấu số 3, Đảo Trường Sa Lớn cho biết: Giờ đây, có lá dong rồi nhưng do lá chuyển từ đất liền ra đảo trải qua hành trình dài, khi đến đảo lá đã chuyển màu ngà vàng. Bởi thế, để bánh chưng xanh, cán bộ, chiến sỹ dùng lá bàng vuông còn tươi xanh lót bên trong lá dong. Chính từ sự kết hợp hài hòa này, bánh chưng sẽ mang mùi thơm của lá bàng vuông quyện cùng lá dong để làm nên vị bánh đặc trưng ở Trường Sa.

Quây quần bên nồi bánh chưng

Lần đầu được đón tết nơi đầu sóng ngọn gió, chiến sĩ trẻ Lê Minh Nhí, Đảo Trường Sa Lớn không khỏi bùi ngùi, chất chứa nhiều cảm xúc cho biết: Ở đây, tết cũng có hoa, các món ăn ngày tết và đặc biệt được nấu bánh chưng làm em vơi đi nỗi nhớ nhà.  

Trong không khí ấm áp, quân dân nơi biển đảo cùng quây quần ngồi gói bánh chưng nơi mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc là một hình ảnh đẹp, đem lại nhiều cảm xúc. Chính sự sẻ chia từ đất liền giúp quân, dân trên đảo có đầy đủ nguyên vật liệu để gói bánh chưng. Qua những câu chuyện hàn huyên giữa quân, dân trên đảo đã đem lại cho những người lính xa nhà cảm giác ấm cúng, thân quen như những cái tết ngồi gói bánh chưng với người thân trong gia đình nơi quê nhà.

Bài, ảnh: Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết