Ấn tượng từ giai điệu "Bốn phương trời" của học sinh Sa Pa

14:16 11-04-2024 | :135

Laocaitv.vn - "Bốn phương trời" là tiết mục văn nghệ đặc biệt, nhận được nhiều sự quan tâm trong Ngày hội văn hoá, du lịch Sa Pa vừa diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Hàng chục em học sinh người Mông tự tin hát ca khúc quen thuộc bằng nhiều thứ tiếng. Phóng sự sau đây, mời quý vị gặp gỡ các bạn nhỏ đến từ Trường Tiểu học San Sả Hồ 1, thị xã Sa Pa, những thành viên nhí góp phần tạo nên thành công của chương trình này.

Đội văn nghệ Trường Tiểu học San Sả Hồ 1 thường xuyên tập luyện các bài hát của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Má A Phay, học sinh lớp 5 là thành viên chính trong đội văn nghệ Trường Tiểu học San Sả Hồ 1. Từ chỗ tiếng phổ thông còn chưa thành thạo, đến nay, Phay đã có thể tự tin hát bằng tiếng Mông, tiếng Kinh và cả tiếng Anh. "Bốn phương trời" là bài hát mà Phay và các bạn yêu thích nhất. "Em đã phải tập trong 2 tuần, cô Quỳnh Anh, cô Dung và bác Gà hỗ trợ em. Được đi biểu diễn ở Sa Pa, Lào Cai, Hà Nội, chúng em thấy rất vui", em Má A Phay, Trường Tiểu học San Sả Hồ 1, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa bày tỏ.

Cô giáo Quỳnh Anh, tổng phụ trách đội là người đồng hành cùng các em từ những ngày đầu tập luyện. Kiên trì từng chút một, đến hôm nay, cô rất tự hào bởi học sinh của mình đã có thể tự tin hát, biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn. "Vừa qua, tại sự kiện Ngày hội văn hoá, du lịch Sa Pa diễn ra tại Hà Nội thì các em tham gia rất nhiệt tình và rất vui. Từ đó, tạo động lực cho các thầy cô giáo và các em học sinh dành nhiều thời gian hơn nữa để tìm hiểu, tập luyện thêm nhiều bài hát, góp phần tự hào dân tộc", cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Trường Tiểu học San Sả Hồ 1, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa cho biết.

Vài năm trở lại đây, vào những ngày cuối tuần và dịp nghỉ hè, tại Khu du lịch Cát Cát, trẻ em người Mông trong trang phục truyền thống được các chuyên gia về văn hóa Mông dạy lại những bài hát cổ, nhạc cụ cổ của dân tộc mình (ảnh trên). Đây cũng là cơ sở để hình thành những đội văn nghệ bản sắc trong trường học như tại Trường Tiểu học San Sả Hồ 1, góp phần bảo tồn văn hóa trong môi trường học đường. "Sa Pa đã có những công ty du lịch lữ hành. Điển hình như Khu du lịch Cát Cát đã thuê thêm các nghệ nhân để dạy cho các em những làn điệu mới thì cũng là cách làm hay và chúng tôi rất khuyến khích việc thực hiện đó", ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa nói.

Miệt mài tập một bài hát mới, bằng nhiều thứ tiếng, với các em học sinh, mỗi lời hát được cất lên là niềm vui và cả tự hào, khi được mang ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc mình để giới thiệu tới bè bạn bốn phương, một việc làm ý nghĩa ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết