Bà con dân tộc thiểu số học để làm du lịch

14:56 12-05-2023 | :419

Laocaitv.vn - Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025 tạo việc làm cho 22.000 lao động trực tiếp và 22.000 lao động gián tiếp trong lĩnh vực du lịch. Như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch là vô cùng quan trọng, nhất là nhân lực tại chỗ, là người dân tộc thiểu số. Nâng cao ý thức của bà con trong việc tự học, tự rèn kĩ năng nghề sẽ là nền tảng để làm du lịch hiệu quả, bền vững. Phóng sự thực hiện tại xã Tả Van, thị xã Sa Pa.

Chị Dinh (phải ảnh) vẫn luôn trau dồi kiến thức để thực hiện ước mơ mở homestay cho riêng mình.

Sùng Thị Dinh, dân tộc Giáy, làm quản lý homestay tại Tả Van được gần 1 năm nay. Thành thạo Tin học, sử dụng tiếng Anh giao tiếp tốt là lợi thế lớn để cô gái 9X này thành công trong công việc với mức lương mỗi tháng lên tới vài chục triệu đồng. Đây cũng là nền tảng để Dinh tự tin bắt tay xây dựng một homestay cho riêng mình. Chị Sùng Thị Dinh, xã Tả Van, thị xã Sa Pa cho biết: "Mình vẫn cần học hỏi thêm về cách chạy quảng cáo trên mạng, học để có thể tuyên truyền thêm về văn hóa, truyền thống của dân tộc mình. Mình tham gia các lớp học hoặc tự học đều được, nhưng giờ mạng đã phát triển rồi, nên là mình rất dễ để tiếp cận với kiến thức".

Những buổi đi dẫn khách tham quan làng bản giúp chị Sùng Thị Pằng có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh. Nhưng chị Pằng luôn tự ti, bởi bản thân chưa biết chữ, không biết đọc tin nhắn, không biết dùng điện thoại, cũng chẳng thể tra google. Chị Sùng Thị Pằng, xã Tả Van, thị xã Sa Pa cho biết: "Đi cùng với khách, có gì không hiểu thì lại nhờ khách thông qua google dịch. Tôi sẽ cố gắng học bằng được cái chữ để trả lời tin nhắn cho khách".

Mặc dù tuổi đã nhiều nhưng Bà Mỹ vẫn luôn học hỏi kiến thức làm du lịch để bắt nhịp với xu thế hiện nay.

Cùng với sự nhộn nhịp của các khu, điểm du lịch hậu Covid-19, “thủ phủ” homestay Tả Van cũng đã “hồi sinh”. Hơn 100 cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng đã giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động dân tộc thiểu số tại địa phương. Đáp ứng nhu cầu cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ, mỗi nông dân làm du lịch đều ý thức trong việc tự trang bị kĩ năng phục vụ du khách. Bà Hoàng Thị Mỹ, xã Tả Van, thị xã Sa Pa cho biết: "Tôi thì làm du lịch được chục năm nay rồi, trước kia thì mọi thứ đơn giản hơn. Giờ càng ngày khách yêu cầu càng cao. Mình cũng muốn học cả máy tính, cái gì không biết thì để các cháu trẻ hướng dẫn".

Năm 2023, ngoài các mô hình liên kết đào tạo về du lịch tại các trường trên địa bàn, tỉnh cũng có kế hoạch thành lập Trung tâm thực hành và thẩm định nghề du lịch; xây dựng, vận hành Viện đào tạo Ngoại ngữ và Nghề du lịch, tạo điều kiện cho bà con dân tộc thiểu số được tham gia nhiều hơn các lớp đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng nghề.

 Thu Hường – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết