Ban Văn hóa xã hội giám sát về hoạt động giáo dục chuyên nghiệp tại một số đơn vị trong tỉnh

16:40 10-10-2017 | :384

Thực hiện kế hoạch giám sát chuyên đề về hoạt động giáo dục nghề nghiệp, ngày 9/10, Ban Văn hóa Xã hội (Hội đồng nhân dân) tỉnh Lào Cai tiến hành giám sát tại một số đơn vị giáo dục.

Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Sa Pa, kết quả giám sát cho thấy, mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng cơ sở vật chất hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu trang thiết bị hỗ trợ cho giảng dạy và thực hành của học sinh. Giai đoạn 2015-2017, Trung tâm phối hợp với trường Cao đẳng nghề Lào Cai mở 2 lớp  đào tạo nghề hệ Trung cấp và 10 lớp theo đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đánh giá, đối với Đề án 1956, nghề nông nghiệp sau đào tạo người dân chủ yếu tự tạo việc làm tại gia đình; các lớp nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ có việc làm đạt từ 80% trở lên, chủ yếu dịch vụ nhà hàng, khách sạn; kinh phí đào tạo nghề chủ yếu từ ngân sách nhà nước, học viên được hưởng chế độ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo nghị định 86 của Chính phủ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức ngành giáo dục đào tạo được quan tâm triển khai với 2 hình thức đào tạo chuyên nghiệp hệ vừa học vừa làm và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, Trung tâm kiến nghị tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo nghề, giáo dục chuyên nghiệp; thực hiện chính sách đãi ngộ cho giáo viên, nhân viên và học viên khi tham gia dạy nghề, học nghề tại cơ sở đào tạo nghề và giáo dục chuyên nghiệp.

Tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh, với nhiều chức năng, như: dạy văn hóa, tin học – ngoại ngữ, đào tạo nghề - hướng nghiệp, liên kết đào tạo – bồi dưỡng, tư vấn du học, tư vấn  nghề nghiệp và xuất khẩu lao động… những năm qua, Trung tâm đã bám sát các quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ, đã xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu người học cũng như mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại địa phương; năm học 2015-2016, thực hiện tuyển sinh và đào tạo được gần 5 nghìn 300 học viên, năm 2016-2017, thu hút trên 6 nghìn 300 học viên ở các hệ liên kết đào tạo tại chức, dạy văn hóa, dạy nghề phổ thông, tin học – ngoại ngữ và loại hình khác; chất lượng đào tạo được nâng lên…

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm, hiện đơn vị đang gặp nhiều vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, như: chưa được giao trực tiếp chỉ tiêu đào tạo nghề hàng năm mà phải hợp đồng thông qua sở Lao động Thương binh Xã hội, Văn phòng điều phối Nông thôn mới và các địa phương; chưa được đầu tư theo chương trình nâng cao năng lực đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ; là đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ, tuy nhiên, quyền tự chủ còn mờ nhạt dẫn đến một số khó khăn.

Theo kế hoạch, Ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục giám sát hoạt động giáo dục chuyên nghiệp tại một số huyện, các sở, ngành và đơn vị đào tạo. Từ thực trạng và kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, đoàn sẽ tổng hợp, có báo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn.

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết