Bảo tồn nghề se lanh dệt vải

21:50 03-09-2021 | :3254

Laocaitv.vn - Se lanh, dệt vải, nhuộm chàm… là nghề có từ lâu đời, gắn bó mật thiết trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Mông nói riêng và một số dân tộc Việt Nam nói chung. Xã hội phát triển, cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng người Mông đen ở xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa vẫn đang lưu giữ và bảo tồn nghề dệt truyền thống này thông qua việc thành lập hội, nhóm cùng sở thích.

Để có được những sợi lanh tốt, chất lượng, từ khâu thu hoạch lanh, phơi khô, đến công đoạn bóc lanh đều được các chị em trong nhóm sở thích se lanh, dệt vải ở thôn Hàng, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa thực hiện tỉ mỉ và thuần thục. Chị Lồ Thị Tùng - một thành viên trong nhóm cho biết: "Từ nhỏ tôi đã được mẹ và các bà dạy se lanh, dệt vải rồi. Trước đây tôi chỉ làm để mặc, từ khi tham gia nhóm thì làm nhiều hơn, nhờ đó có thêm thu nhập để chăm lo cho gia đình".

Nghề se lanh, dệt vải truyền thống của người Mông ở Sa Pa vẫn đang được lưu giữ và bảo tồn.

Được thành lập từ năm 2011, nhóm sở thích se lanh, dệt vải thôn Hàng do chị Tẩn Thị Giả làm trưởng nhóm đã thu hút được 15 chị em tham gia. Với 3 cửa hàng, vào thời điểm khi dịch Covid-19 chưa diễn biến phức tạp, trung bình mỗi năm nhóm làm ra hàng trăm mét vải lanh, hàng nghìn sản phẩm từ vải lanh như: Vỏ chăn, vỏ gối, tranh treo tường và nhiều sản phẩm lưu niệm… cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/tháng. 

Chị Tẩn Thị Giả cho biết thêm: "Chúng tôi lập nhóm để cùng làm, truyền dạy nghề cho các con, hướng dẫn cụ thể cách làm từng công đoạn để bảo tồn được giá trị văn hóa truyền thống của người Mông".

Các sản phẩm thổ cẩm làm từ vải lanh ở Sa Pa được rất nhiều du khách yêu thích.

Mặt dù các cửa hàng đang đóng cửa do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng các hoạt động se lanh, dệt vải vẫn được các thành viên trong nhóm thực hiện thường xuyên để có sản phẩm phục vụ khách du lịch khi hết dịch bệnh, ngành du lịch hoạt động trở lại.

Ông Giàng A Dúng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa cho biết thêm: "Hằng năm xã cũng có các chủ trương về hỗ trợ người dân phát triển kinh tế từ nghề truyền thống, đặc biệt là nghề se lanh. Các sản phẩm thổ cẩm làm từ vải lanh rất được du khách trong và ngoài nước yêu thích nên chúng tôi luôn khuyến khích bà con bảo tồn và phát triển".

Với xu thế phát triển, việc thành lập các hội nhóm cùng sở thích trong bảo tồn và phát triển nghề truyền thống là điều cần thiết, vừa tăng thêm thu nhập vừa lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đã có từ lâu đời.

Thào Sếnh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết