Bảo Tồn nghề thủ công truyền thống làm trang phục Mông đen Sa Pa

16:00 02-06-2023 | :997

Laocaitv.vn - Cùng với các ngành Mông ở Lào Cai, người Mông đen ở Sa Pa vẫn còn lưu truyền nghề làm trang phục truyền thống. Đặc biệt, nghệ thuật tạo hoa văn cũng như kỹ năng và sáng tạo của người Mông đen đã được ngành Văn hóa ở Lào Cai đưa vào danh mục, lập hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Se sợi, dệt là một trong những công đoạn tạo ra sản phẩm.

Phụ nữ người Mông từ ngày còn thơ bé đã được bà, được mẹ truyền nghề may thêu trang phục truyền thống. Để tạo ra một bộ váy, áo người Mông đen ưng ý, phải trải qua nhiều công đoạn: từ trồng lanh, se sợi, dệt, tạo hoa văn, nhuộm, cắt may… Những chi tiết cầu kỳ trong cách tạo hoa văn bằng sáp ong hay hoa văn nổi sau khi vải được nhuộm đều cần có những đôi bàn tay thạo nghề, khéo léo. Em Sùng Thị Lan, thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa nói: “Học thêu may từ khi đang học tiểu học là được dạy rồi. Con gái người Mông ai cũng phải học, cháu cũng vậy”.

Để tạo ra một bộ váy, áo người Mông đen, phải trải qua nhiều công đoạn.

“Truyền thống này là từ xưa bố mẹ tôi làm thì không thể thay đổi được. Tôi cũng phải giữ nghề này lâu dài, phải dạy cho con gái, con dâu biết làm, sau này mình già đi thì còn có người biết làm”, bà Giàng Thị Chỉnh, thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa tâm sự.

Ở thôn Hòa Sử Pán, xã Mường Hoa, kinh tế du lịch phát triển khá bài bản và thu hút ngày càng nhiều du khách. Trong rất nhiều lợi thế thì nghề làm trang phục truyền thống của đồng bào Mông nơi đây chính "kho báu" hết sức giá trị đang được chính quyền địa phương quan tâm, khuyến khích phát triển. Ông Tẩn A Lềnh, Chủ tịch UBND xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa cho biết: “Xã đã có những chính sách khuyến khích đối với bà con, để tạo điều kiện cho bà con như mở các lớp thêu thổ cẩm để bà con giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc”.

Nghề thủ công truyền thống làm trang phục của dân tộc Mông đen Sa Pa được đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Từ sự tinh tế, độc đáo trong cách tạo hoa văn, sự khéo léo, sáng tạo của chị em phụ nữ, nghề thủ công truyền thống của người Mông Sa Pa đã được ngành chức năng quan tâm, phục dựng, lập hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai nói: “Chất liệu bằng vải lanh và nghệ thuật thêu trang trí trên trang phục thì đó là nét nổi bật để chúng tôi lựa chọn làm hồ sơ di sản đề nghị Bộ Văn hóa đưa vào hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Nghề thủ công truyền thống làm trang phục của dân tộc Mông đen Sa Pa được đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể là cơ hội để nâng tầm giá trị của nghề, giúp đồng bào có thêm động lực, "biến di sản thành tài sản", cải thiện chất lượng cuộc sống./.

Đức Trung


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết