Bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số

09:55 05-10-2021 | :3739

Laocaitv.vn - Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng chung sống, cộng đồng các dân tộc Lào Cai đang sở hữu kho tàng ngôn ngữ, văn hóa rất phong phú. Trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, nhiều ngôn ngữ và nét đẹp văn hoá của các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một. Vậy nên việc làm thế nào để bảo tồn được sự đa dạng về ngôn ngữ, làm phong phú thêm kho tàng tri thức bản địa ở Lào Cai đang là câu hỏi cần đặt ra.

Ngôn ngữ và chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số rất quan trọng, nó không chỉ được sử dụng để giao tiếp, mà còn phản ánh đậm nét đời sống văn hóa, phong tục tập quán, kinh nghiệm sản xuất của bà con. Vậy nhưng, theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, ngôn ngữ của đồng bào đang ít nhiều bị mai một, thậm chí còn có hiện tượng lãng quên trong một bộ phận lớp trẻ. Vậy nên việc bảo tồn, gìn giữ sự đa dạng về ngôn ngữ trong đời sống cộng đồng cần phải được xem là vấn đề cấp thiết.

Năm 2019, lần đầu tiên Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai đã mở lớp dạy tiếng cho đồng bào dân tộc rất ít người. Chỉ trong 2 năm, đã có 60 lớp học, với gần 3.000 người Phù Lá và Bố Y được ôn lại ngôn ngữ của mình qua hình thức truyền khẩu. 

Bà Mã Én Hằng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết: "2 dân tộc này gần như bị mai một, chữ viết không có, nên chúng tôi tập trung tổ chức truyền dạy ngôn ngữ dân tộc Phù Lá và Bố Y".

Thực tế cho thấy, lớp trẻ biết nói tiếng của dân tộc mình đang ngày một ít đi, bởi các em có xu hướng chuyển sang sử dụng tiếng phổ thông để giao tiếp. Bởi vậy sự mai một, lãng quên tiếng của dân tộc mình là điều khó tránh khỏi.

Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH-TT&DL Lào Cai cho rằng: "Cần quan tâm mở lớp dạy chữ cổ của các dân tộc ít người đang có nguy cơ mai một; tiếp tục đưa ngôn ngữ của đồng bào vào trường học nội trú".

Nhằm góp thêm một giải pháp để bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc, mới đây Đài PT-TH Lào Cai đã ra mắt 2 fanpage tiếng Mông và tiếng Dao. Đây không chỉ là cách để chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào một cách kịp thời, mà còn là cầu nối để hằng ngày bà con được nghe tiếng nói của mình mọi lúc, mọi nơi, phù hợp với nhu cầu và thói quen tiếp cận thông tin theo cách hiện đại hơn.

Giá trị từ những cuốn sách cổ

Ngôn ngữ là một trong những thành tố rất quan trọng cấu thành mỗi cộng đồng dân tộc. Tại Lào Cai, mỗi nhóm, ngành dân tộc đều có ngôn ngữ riêng, đặc biệt hơn là một số dân tộc còn có chữ viết. Điển hình như cộng đồng người Dao Lào Cai hiện đang lưu giữ hàng ngàn cuốn sách cổ. Đây thực sự là kho tàng tri thức quý để trao truyền cho các thế hệ mai sau, vì vậy rất cần được lưu giữ, bảo tồn một cách bài bản.

Ý thức được giá trị từ những trang sách cổ của người Dao Lào Cai, hơn chục năm trước, Tiến sỹ Trần Hữu Sơn và các cộng sự, trong đó có ông Dương Tuấn Nghĩa đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và cho xuất bản 3 tập sách quý. "Về kho tàng của đồng bào các dân tộc thì tìm hiểu ngôn ngữ chữ viết là khó khăn nhất, nhưng nó có rất nhiều giá trị", ông Dương Tuấn Nghĩa chia sẻ.

Những cuốn sách cổ của người Dao chứa đựng nhiều tri thức quý.

Tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai, từng cuốn sách cổ của người Dao đều được gắn mã số và có hồ sơ quản lý riêng. Mỗi cuốn sách ghi lại những câu chuyện từ tín ngưỡng, phong tục tập quán, thơ ca, đến phương cách sản xuất, chăn nuôi, răn dạy con cháu trong gia đình, dòng họ và đều sử dụng ngôn ngữ, chữ viết của người Dao.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lào Cai cho biết: "Hiện bảo tàng đang lưu trữ gần 1.000 cuốn sách ở dạng số hóa và trực tiếp, chúng tôi cử cán bộ đi sưu tầm và phối hợp với nghệ nhân để chép lại sách cổ".

Dạy song ngữ cho học sinh người dân tộc - phương pháp lưu giữ tiếng mẹ đẻ

Bằng rất nhiều cách khác nhau, Lào Cai đang nỗ lực giữ lại những giá trị văn hóa, ngôn ngữ của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đối với người Mông - một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số lớn ở địa phương, con em của đồng bào thậm chí còn đang được học tập bằng song ngữ.

Từ năm học 2009 - 2010, Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Phố, huyện Bắc Hà đã triển khai dạy song ngữ cho học sinh. Hiện nay, do yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục song ngữ cần có những điều chỉnh nhất định, nhưng việc trao truyền tiếng mẹ đẻ cho con em đồng bào Mông thì chưa bao giờ các thầy cô nơi đây xem nhẹ. Cô giáo Sùng Thị Mai, giáo viên nhà trường cho biết: "Chỗ nào các em chưa hiểu thì chúng tôi dịch sang tiếng mẹ đẻ cho các em hiểu. Học sinh cũng rất mạnh dạn, các em giữ được bản sắc của mình, không quên đi tiếng mẹ đẻ".

Tiếng mẹ đẻ được lồng ghép trong các tiết học của học sinh dân tộc thiểu số.

Linh hoạt trong việc lồng ghép tiếng mẹ đẻ vào từng môn học, cách làm không chỉ nâng cao chất lượng dạy và học, mà còn giúp bảo tồn tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số. 

Hiện, ngành Giáo dục - Đào tạo Lào Cai đã triển khai "Chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ" ở 6 trường tiểu học có 100% học sinh là dân tộc Mông theo học, thuộc thị xã Sa Pa và các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương. Qua đánh giá, chương trình không chỉ góp phần giữ gìn được tiếng mẹ đẻ mà còn giúp các em mạnh dạn, tự tin giao tiếp và hiểu nghĩa của tiếng Việt tốt hơn.

Những người thổi niềm đam mê ngôn ngữ dân tộc cho lớp trẻ

Cùng với ngành chức năng thì trong chính cộng đồng các dân tộc thiểu số Lào Cai, với tâm huyết của mình, đồng bào các dân tộc bằng cách này hay cách khác đang nỗ lực để lưu truyền tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Mong muốn bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình, ông Chảo Láo Sử ở thôn Phìn Hồ, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai đã mở lớp dạy tiếng Dao. Nhiều năm qua, ông Sử duy trì đều đặn lớp học trong mỗi dịp hè, thổi niềm đam mê chữ nôm Dao cho các em nhỏ vùng cao. Ông Chảo Láo Sử cho biết: "Lo sau này văn hóa của người Dao sẽ bị mai một, vì vậy tôi mở lớp học để dạy các cháu sau này có thể tiếp cận được văn hóa người Dao".

Ông Chảo Láo Sử truyền dạy chữ Nôm Dao để chữ viết của dân tộc mình không bị mai một.

Tại xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, ngôn ngữ Nùng được nghệ nhân Hoàng Sín Hòa trao truyền lại cho con cháu theo một cách rất riêng, đó là thông qua những làn điệu dân ca. Ông Hòa chia sẻ: "Học được bài nào là ít khi quên nên cứ tích dần. Sau này ghi chép bằng sổ sách, khi quên tôi lại mở ra xem để ôn và học, dần dần nên biết hát".

"Dân ca Nùng Dín rất hay và ông Hòa là người thân thiện, dễ mến nên cháu cũng dễ học dân ca Nùng Dín từ ông", em Lò Thị Thi, ở thôn Pạc Ngam, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương chia sẻ.

Với những người thầy như ông Sử, ông Hòa, việc dạy bà con học, bà con hát không chỉ nhằm lưu truyền tiếng nói, chữ viết hay những làn điệu dân ca, mà qua đây, họ còn gửi gắm tâm tư, tình cảm và cả mong ước của mình về giữ gìn nguồn cội và các giá trị văn hóa dân tộc.

Với sự nỗ lực của tỉnh, các ngành chức năng và ý thức của cộng đồng, hy vọng sự đa dạng về ngôn ngữ trong đồng bào các dân tộc Lào Cai sẽ được gìn giữ, phát huy. Để ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là tiếng nói, chữ viết, mà còn trở thành nhân tố quan trọng để xây dựng con người Lào Cai văn minh, hiện đại, phù hợp với xu thể hội nhập nhưng vẫn gìn giữ được vẹn nguyên bản sắc văn hóa riêng có của mỗi cộng đồng dân tộc.

Nhóm PV


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết