Bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai

22:26 31-10-2018 | :3714

Laocaitv.vn - Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ cấp thiết và cần có giải pháp thích hợp.

Là tỉnh đa dân tộc, đa văn hóa; cùng với tiếng nói và chữ viết, trang phục là một thành tố thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người. Trang phục của phụ nữ các dân tộc chính là những dấu hiệu để nhận biết rõ nhất về sự khác biệt ấy; chính những phụ nữ này đã và đang bảo tồn khá nguyên vẹn thói quen sử dụng trang phục truyền thống và kỹ năng tạo ra các bộ trang phục mang đậm giá trị của văn hóa tộc người. 

Trang phục của một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, đến hết năm 2017, dân số tỉnh Lào Cai là 699.507 người với 29 dân tộc, bao gồm: dân tộc Kinh là 237.792 người, chiếm 33,994%; dân tộc thiểu số là 461.715 chiếm 66,006%. Trong số 28 dân tộc thiểu số, dân tộc H'Mông có số dân đông nhất với 32.309 người. Có 5 dân tộc chỉ có 1 người là Ê đê, Thổ, Cơ Tu, Kháng, La Hủ; có 3 dân tộc chỉ có 2 người là Gia Rai, Pà Thẻn và Gié Triêng.

Trở lại 10 năm về trước, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống trong các dịp sinh hoạt chung của cộng đồng như lễ hội, cưới hỏi... nhất là trong lễ cấp sắc của người Dao, trong tang ma của người H'Mông và một số dân tộc khác. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, thói quen sử dụng trang phục truyền thống đã có sự thay đổi ở một số nhóm ngành, một số bộ phận người dân tộc thiểu số, đặc biệt là giới trẻ, thường xuyên ra bên ngoài, tham gia nhiều các hoạt động xã hội nên có xu hướng “bài trừ” cái cũ, du nhập cái mới để thay thế.

Theo kết quả khảo sát thực tế của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho thấy: tỷ lệ sử dụng trang phục truyền thống nhiều nhất ở Lào Cai thuộc về nhóm dân tộc Hà Nhì ở Bát Xát (phụ nữ còn sử dụng khoảng 80%), người H'Mông ở Bát Xát (khoảng 70%), La Chí ở Bắc Hà, Si Ma Cai (khoảng 70%), H'Mông ở Sa Pa (khoảng 70%), Phù Lá ở Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai (khoảng 65%), người Giáy, người Tày (khoảng 65%)... Một số dân tộc có xu hướng sử dụng trang phục của dân tộc khác; đơn cử là người H'Mông ở Sa Pa đang có xu hướng thích sử dụng áo của người Tày, Giáy. Đặc biệt, việc sử dụng trang phục may sẵn, trang phục ngoại nhập khá phổ biến, nhất là vùng người H'Mông; bởi các sản phẩm giá thành rẻ, mẫu mã phong phú và nhiều màu sắc. Cá biệt có những xã người H'Mông ở huyện Mường Khương đã chuyển đổi trang phục từ thêu thủ công sang trang phục may sẵn đến 90%, màu sắc chủ đạo chuyển từ màu đỏ sang màu xanh, tím…

Thực tế cũng cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số câu lạc bộ, hợp tác xã may thêu thổ cẩm ở Sa Pa, Bắc Hà; nhiều hộ gia đình người H'Mông ở Cát Cát (Sa Pa) đã duy trì rất tốt việc tự dệt và may thêu các sản phẩm thổ cẩm bán cho khách du lịch. Bên cạnh đó, một số ít dân tộc thiểu số vẫn tự dệt vải như người H'Mông ở xã Nậm Chày, xã Nậm Tha, người Tày ở xã Minh Lương (Văn Bàn); người Dao Họ ở xã Cam Cọn (Bảo Yên). Phần đa các dân tộc thiểu số khác không còn duy trì nghề dệt do nguyên liệu may mặc trên thị trường hiện nay rất phong phú, giá thành rẻ, người dân không tốn nhiều công sức để làm ra vải như trước; người dân mua nguyên liệu có sẵn về tự cắt trang phục theo đúng truyền thống, một số ít thì khâu tay nhưng chủ yếu là may những bộ trang phục cho trẻ sơ sinh hoặc mũ, còn lại là sử dụng máy may công nghiệp và thêu tay các họa tiết trang trí; việc đính họa tiết trang trí vào trang phục chủ yếu sử dụng đồ công nghiệp mua sẵn như đồ trang trí bằng nhựa, bằng vải, bằng len, vải các màu, chỉ thêu…

Đứng trước nguy cơ mai một về trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Ngành Văn hóa đã tham mưu cho tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai, giai đoạn 2011 – 2015”, Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2017 - 2022”. Đồng thời, Ngành xác định việc kiểm kê, sưu tầm văn hóa dân gian và tuyên truyền để người dân cùng tham gia vào quá trình giữ gìn và phát huy nghề dệt truyền thống, bảo tồn trang phục cổ truyền đã trở thành nội dung đồng hành trong các chương trình tuyên truyền, tập huấn, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Ngành Văn hóa cũng đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tuyền truyền, khuyến khích cán bộ, công chức và người dân là người dân tộc thiểu số có một bộ trang phục dân tộc truyền thống cho riêng mình và mặc khi có những sự kiện quan trọng như: Đại hội Đảng, tiếp xúc cử tri, những ngày lễ, tết, giao lưu văn hóa, văn nghệ... Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã đưa nội dung thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Lào Cai vào chương trình Hội diễn nghệ thuật quần chúng tổ chức 2 năm/ lần; tại các trường dân tộc nội trú khi có lễ kỷ niệm các em phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình... Đây là một trong những cách làm linh hoạt, sáng tạo để trang phục truyền thống “sống” được trong cộng đồng dân cư.

Vấn đề bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số là hành trình dài lâu và không hề đơn giản; nhất là việc bảo tồn, phát huy trong cuộc sống hằng ngày lại càng khó khăn, phức tạp hơn. Bởi vậy, việc giữ gìn, phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay rất cần sự quan tâm, góp sức của cả cộng đồng xã hội.

Để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống, theo ý kiến của một số chuyên gia, điều quan trọng nhất là ý thức của người dân, những chủ thể sáng tạo và sử dụng, với chính sản phẩm mình làm ra, với giá trị văn hóa của dân tộc mình. Do vậy, ngành Văn hóa cũng như các cấp chính quyền cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức để đồng bào hiểu và trân trọng, tự hào về giá trị của những di sản văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng, từ đó có ý thức giữ gìn, tôn vinh, tự bảo tồn.

Hơn nữa, vấn đề bảo tồn trang phục truyền thống thì người dân phải là chủ thể, Nhà nước có chính sách tác động, để tạo ra một môi trường lành mạnh trong việc sản xuất, gia công, lưu thông hàng hóa gắn với việc sản xuất trang phục dân tộc. Bên cạnh đó, việc tôn vinh các nghệ nhân có công gìn giữ, bảo tồn những nghề như nghề trồng bông, trồng lanh; nghề dệt, thêu truyền thống, cũng phải được các nhà quản lý quan tâm.

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch tổ chức quảng bá thu hút khách tham quan, bán hàng ngay tại làng nghề, tạo thu nhập cho đồng bào. Chú trọng đến việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số để không bị lai tạp, không bị làm hàng giả, hàng nhái. Các cơ quan chuyên ngành cần xây dựng chương trình để đưa môn cắt may, thêu, tạo hình hoa văn trên trang phục truyền thống vào thành môn học nghề tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, đồng thời mời các nghệ nhân lên lớp hướng dẫn, nhằm trao truyền những giá trị truyền thống từ lớp trẻ, những người sẽ tiếp bước và duy trì văn hóa của mỗi dân tộc./.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết