Laocaitv.vn - Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đều mang bản sắc văn hóa và những giá trị nghệ thuật rất riêng. Trang phục của người Thu Lao tồn tại và phát triển chủ yếu với nền kinh tế lúa nương, phản ánh rõ nét việc chinh phục và sử dụng thành thạo một số loại thực vật về làm nguyên liệu, công cụ sản xuất cũng như thuốc nhuộm… phục vụ cho nhu cầu cuộc sống.
Người Thu Lao làm trang phục truyền thống bằng phương pháp thủ công và gắn với hoạt động của từng gia đình trong xã hội. Nó phản ánh nền kinh tế tự túc, trong đó khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ Thu Lao trong việc giải quyết nhu cầu may mặc của gia đình.
Tại thôn La Hờ, xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, trước đây người dân thường trồng đay để làm quần áo nhưng bây giờ chủ yếu là dùng bông và nhuộm chàm. Theo người dân thôn La Hờ, trong quá trình làm quần áo của người Thu Lao thì khó nhất và mất thời gian nhất là công đoạn kéo bông thành sợi để dệt vải. “Các gia đình tự trồng bông và làm quần áo truyền thống cho mọi người trong nhà, mỗi người đều có 1 bộ quần áo của dân tộc mình”, bà Tải Sín Lè ở thôn La Hờ cho biết thêm.
Công đoạn kéo bông thành sợi được cho là khó và mất thời gian nhất trong quá trình làm trang phục truyền thống của người Thu Lao.
Bộ y phục của phụ nữ Thu Lao thường may bằng chất liệu vải chàm tự dệt, không cầu kỳ, không nhiều đồ trang sức, màu chủ đạo trên bộ y phục là màu đen. Áo phụ nữ may kiểu 5 thân, không trang trí hoa văn, còn váy được may kiểu xòe nơm, ghép từ nhiều mảnh vải hình thang cân, tạo ra chu vi gấu váy dài tới 4 - 5 m. Khi mặc, phần vải thừa được túm thành một túm phía sau. Đây là điểm khác biệt đặc trưng so với trang phục truyền thống của các dân tộc khác.
Khăn đội đầu của phụ nữ được thiết kế từ mảnh vải chàm; khi đội, khăn được gấp nhỏ thành 4 nếp theo chiều dài rồi quấn quanh thành hình chóp trên đỉnh đầu, hai đầu khăn vắt qua nhau rồi để xõa dài, rủ từ gáy xuống tới thắt lưng. Đây là nét đội khăn độc đáo nhất của phụ nữ Thu Lao.
Trong các ngày lễ, tết, cưới xin… trang phục không đơn điệu mà mang sắc thái rõ rệt, phản ánh những nhận thức về thẩm mỹ dân gian, tín ngưỡng, đạo đức, ước mơ, khát vọng… của con người. Trong quá trình di cư và cư trú xen kẽ với các thành phần dân tộc khác, người Thu Lao không những còn bảo tồn khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà còn tiếp thu một cách có chọn lọc những yếu tố văn hóa của tộc người khác, trong đó có kỹ thuật dệt may, màu sắc, nguyên liệu…
Đức Tính – Xuân Anh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết