Laocaitv.vn - Những năm qua, cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành và người dân đã góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Lào Cai.
Laocaitv.vn - Những năm qua, cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành và người dân đã góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Lào Cai.
Nghề dệt của người Dao họ huyện Bảo Thắng vừa được công nhân là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đầu tháng 4 vừa qua, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch công nhận Tri thức canh tác ruộng bậc thang của người Hà Nhì huyện Bát Xát và Nghề dệt của người Dao họ huyện Bảo Thắng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy, tổng số di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Lào Cai đã lên tới 39 di sản và 2 di sản đại diện nhân loại. Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Lào Cai cho biết: "Đây cũng là nguồn tài nguyên phong phú và giá trị đối với việc phát triển các loại hình du lịch của tỉnh, mang lại một cái lợi ích rất lớn cho mỗi dân tộc khi giữ gìn được nét văn hóa riêng của mình, nếu không sẽ rất dễ bị mai một và đồng hóa".
Các di sản văn hóa sau khi được công nhận luôn được định hướng khai thác để trở thành các khu, điểm, sản phẩm du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá một cách bền vững. Chị Sải Vần Sín, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà cho biết: "Từ trung ương đến cơ sở đã giúp đỡ cho bà con hiểu rõ hơn là muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình thì không chỉ một cá nhân mà cả cộng động phải bắt tay vào làm. Mọi người phải cố gắng học hỏi hơn nữa để hội nhập nhưng không làm mất gốc gác của dân tộc Mông mình".
Anh Dương Văn Toản, Phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng tỉnh Lào Cai cho biết: "Khi di sản được công nhận rồi thì sẽ thu hút nhiều người, nhất là khách du lịch đến tham gia, tìm hiểu".
Việc giữ gìn và truyền dạy các di sản văn hóa cần được duy trì và phát huy.
Di sản văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng. Bảo tồn, phát huy hiệu quả nhất giá trị các di sản, tạo cho di sản sức sống vững bền, nhất là trong tiến trình đô thị hóa, hiện đại hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ hiện nay là hết sức cần thiết. Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi cũng tham mưu và xây dựng các chính sách làm sao để huy động hỗ trợ cộng đồng bảo tồn một cách tốt nhất, bền vững nhất với các loại hình di sản đấy. Chúng tôi đề cao công tác truyền dạy và gắn với công tác trao truyền này muốn cộng đồng gìn giữ tốt hơn thì phải gắn với du lịch".
Di sản văn hóa là một nhân tố đắc lực, thực sự góp phần tạo nên bản sắc riêng của tỉnh Lào Cai trong bối cảnh hội nhập. Vì vậy, việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa là một trong những mục tiêu chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thùy Anh – Đình Hiếu
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết